Nhiều lần điều chỉnh, 5 năm không làm xong tuyến đường gần 6 km ở Quảng Trị
VOV.VN - Dự án đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị dài khoảng 6 cây số, triển khai từ 5 năm nay vẫn chưa xong.
Điều đáng nói, quá trình thi công tuyến đường này đã nảy sinh nhiều trắc trở, bất hợp lý, phải qua nhiều lần điều chỉnh, công trình kéo dài dẫn đến đội vốn.
Dự án đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại huyện Triệu Phong được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt và khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Công trình nhằm hoàn thiện đường dẫn phía Nam cầu mới An Mô, kết nối giao thông vùng phía Đông với trung tâm huyện Triệu Phong, tạo thuận lợi cho người dân, du khách đến thăm viếng Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Việc thi công chậm trễ kéo dài ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trời nắng, gió bụi tung mù mịt, mưa xuống bùn đất, nước bẩn bắn tung tóe vào người đi đường.
Nguyên nhân khiến công trình kéo dài do vướng mắc mặt bằng, người dân chưa đồng thuận về phương án và giá đền bù. Bà con trong vùng giải tỏa cho rằng, đất thổ cư mà chỉ được đền bù 1 m2 chỉ 1,6 triệu đồng, đất vườn chỉ bồi thường 24.500 đồng 1 m2 là quá thấp.
Ông Đỗ Loãn, ở thôn An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong cho biết, nhà ông gần như giải tỏa trắng. Số tiền đền bù không đủ để mua lại một lô đất mới để làm nhà ở. Nhà nước lại không bố trí tái định cư, người dân gặp rất nhiều khó khăn,
“Đền bù quá thấp, nhà tôi đây bồi thường cả nhà ở, đất ở, vườn tược được 900 triệu đồng. Số tiền đó nếu mua đất mới cũng không đủ tiền. Đền bù cho dân phải thỏa đáng, còn đền bù quá thấp dân chịu thiệt thôi. Dân đồng thuận nhưng giá đền bù phải cao lên” - ông Loãn nói.
Gần 5 năm, Dự án đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khởi công nhưng đến nay vẫn còn dang dở nhiều đoạn. Riêng đoạn gần 1km qua xã Triệu Long vướng mặt bằng. 34 hộ giải tỏa đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn còn 17 hộ chưa đồng thuận.
Theo ông Võ Sính, Chủ tịch UBND xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, vào thời điểm triển khai dự án cầu mới An Mô, người dân đồng thuận nhưng chủ đầu tư dự án không có tiền. Đến bây giờ, khi dự án khởi động lại thì người dân lại chưa đồng thuận với phương án và giá đền bù.
“Một số hộ dân, nhất là hộ dân có di dời nhà chưa đồng tình với giá đền bù, giá thấp, vì họ mất cả nhà lẫn đất. Một số hộ dân ở sát đường, do làm đường đắp nền lên cao hơn 0,7 m sẽ ảnh hưởng. Vì dân làm nông nghiệp phải có sân phơi, có khoảng cách” - ông Sính cho biết.
Trước khi có dự án đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, từ năm 2012, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt dự án xây dựng cầu An Mô mới vượt sông Thạch Hãn kết hợp đường cứu hộ cứu nạn phía Đông Triệu Phong. Dự án có tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng. Thế nhưng khi mới công xong phần cầu mới An Mô, dự án đã phải dừng lại vì đúng vào thời điểm cắt giảm vốn đầu tư công.
Chủ đầu tư nợ nhà thầu hơn 10 tỷ đồng, công trình bỏ bê, các hạng mục còn lại là đường dẫn ở 2 đầu cầu và thảm bê-tông nhựa mặt cầu vẫn chưa hoàn thiện. Đến năm 2017, để có kinh phí hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án này, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Trị lập dự án mới đường nối đầu cầu An Mô vào Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Phần khối lượng chưa thi công bê tông nhựa mặt cầu An Mô mới và đường hai đầu cầu điều chuyển sang Dự án đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn để thực hiện.
Ông Đỗ Văn Thiên, người dân ở thôn An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong cho biết, đến nay, dự án mới này tiếp tục qua nhiều lần điều chỉnh, thi công kéo dài, người dân càng thêm bức xúc.
“Dự án kéo dài lâu rồi, hơn 10 năm rồi. Kéo dài lê thê, lâu lâu họ bồi thường vài hộ dân rồi dừng lại. Trước đây, bồi thường vài nhà sát cầu An Mô, xong rồi nghỉ. Năm 2019 làm mấy cái cống. Hiện nay mới bắt đầu đi bồi thường lại” - ông Thiên chia sẻ.
UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục có Quyết định điều chuyển Dự án đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại huyện Triệu Phong, cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2021. Thế nhưng, còn khoảng hơn 1 tháng là kết thúc năm nay, tiến độ công trình vẫn rùa bò. Một số đoạn, dù đã có mặt bằng nhưng nhà thầu bỏ bê không tổ chức thi công.
Ông Võ Phong Luân, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị giải thích, dự án ban đầu có tổng mức đầu tư 74 tỷ đồng, sau đó, điều chỉnh còn 66,6 tỷ đồng, tiết kiệm 10%. Trong quá trình thực hiện, khối lượng giải phóng mặt bằng phát sinh lớn và đơn giá bồi thường hỗ trợ tăng. Qua cân đối tổng mức đầu tư, dự án tăng hơn 10 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư điều chỉnh. Đơn vị đề nghị UBND tỉnh cho phép chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu không đủ năng lực thi công và giao cho đơn vị khác tiếp tục thi công công trình.
“Dự án này vốn thiếu, thời giá và kinh phí bồi thường tăng lên so với dự kiến ban đầu, chủ yếu tăng tiền bồi thường. Quá trình vừa xử lý mặt bằng vừa xin điều chỉnh chủ trương đầu tư và bổ sung vốn để phấn đấu hoàn thiện công trình vào quý 1 năm 2022” - ông Luân đề nghị./.