Nhiễu loạn thị trường thực phẩm chức năng
VOV.VN - Mấy năm gần đây, hàng loạt tổ chức, cá nhân đã mở ra vô vàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng để phục vụ nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, do công tác quản lý chưa tốt cả về văn bản pháp qui cũng như kiểm tra, giám sát…nên thị trường thực phẩm chức năng đang như một ma trận “bủa vây” người tiêu dùng và khó bề kiểm soát. Trong khi đó, rất nhiều người dân, do thiếu thông tin nên đã coi thực phẩm chức năng như thuốc chữa bách bệnh và đã bỏ ra khá nhiều tiền để mua mà không biết đâu là thật- giả hay kém chất lượng?
Nhóm PV Đài TNVN thường trú tại TP.HCM đã thâm nhập thực tế địa bàn và có loạt bài viết làm rõ những khoảng tối về lĩnh vực này.
Bài 1: Nhiễu loạn thị trường thực phẩm chức năng
Bài 2: Nan giải bài toán quản lý thực phẩm chức năng
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM vừa xử phạt Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Thành Công, đóng tại phường 24, quận Bình Thạnh số tiền 146 triệu đồng vì kinh doanh thực phẩm chức năng không đảm bảo an toàn thực phẩm, quảng cáo sai quy định...
Thực phẩm chức năng được bày bán chiếm phần lớn trong các hiệu thuốc. |
Công ty này chuyên kinh doanh, phân phối thực phẩm chức năng Halida, nhưng lại quảng cáo công khai là có tác dụng ổn định đường huyết, điều trị tiểu đường như thuốc chữa bệnh. Trong đó, Viên uống tiểu đường Halida chưa được đăng ký tại Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, nhưng đã được Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại XNK Thành Công quảng cáo, rao bán rầm rộ trên trang web và mạng xã hội.
Khi bị xử phạt, chủ doanh nghiệp này còn đổ lỗi cho nhân viên đã “nói quá” về sản phẩm.
Trước đó, hồi cuối tháng 8, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cũng đã phát hiện, tịch thu và buộc tiêu hủy gần 3 tấn Cốm nhàu- một loại thực phẩm chức năng- do Công ty TNHH Toàn cầu D2 Việt Nam, đóng tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè sản xuất. Công ty này cũng bị nhà chức trách xử phạt hành chính 100 triệu đồng do sản phẩm không đạt chuẩn, kém chất lượng.
Để lật tẩy sự bát nháo thị trường thực phẩm chức năng trên địa bàn TPHCM, nhóm phóng viên VOV trong vai người có nhu cầu mua thuốc điều trị bệnh xương khớp và viêm loét dạ dày đã đến tìm hiểu thực tế tại một số hiệu thuốc gần khu vực Bệnh viện 175 (quận Gò Vấp) và khu vực Quận 5, Quận 2…
Cơ quan chức năng kiểm tra thu giữ sản phẩm thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật. |
Tại đây, các nhân viên bán hàng không cần hỏi triệu chứng, thể trạng, tình hình sức khỏe và bệnh lý của người bệnh mà quảng bá một loạt các sản phẩm như: Viên nghệ Nano, Mộc Vị Khang hay viên uống xương khớp Jex.v.v.. với công dụng giảm ợ chua, giảm dịch vị axít dạ dày. Còn với bệnh xương khớp thì có nhiều sản phẩm giúp tăng dịch khớp, giảm đau nhức…
Ghi nhận tại một số hiệu thuốc cho thấy, cũng là một sản phẩm tinh nghệ Nano (đóng hộp theo quy cách 3 vỉ x 10 viên nang) nhưng giá bán mỗi nơi một khác và được ghi bằng tay, chênh lệch từ 20.000 -30.000 đồng/hộp.
Tại Hiệu thuốc Phú Lâm, địa chỉ 649/27/23 Điện Biên Phủ, Phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM, một nhân viên bán hàng cho biết: “Đây là nghệ mật ong, có thể uống thay chữ P (Phosphalugen-Gel) 250.000 đồng/lọ 30 viên. Em có hóa đơn nhưng là hóa đơn bán lẻ có dấu của nhà thuốc”.
Có thể nói, chưa bao giờ thực phẩm chức năng lại “trăm hoa đua nở”, dễ mua, dễ bán như hiện nay. Chỉ cần một cú kích chuột máy tính lên mạng internet, ai cũng có thể tìm thấy sản phẩm thực phẩm chức năng của vô số cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu, quảng cáo. Nhiều loại thực phẩm chức năng còn được những người rao bán trên Zalo, Facebook thổi phồng công dụng như những thần dược điều trị bách bệnh.
Cách thức quảng cáo trên mạng, dù là nhân viên trực số điện thoại hotline trang web, hay các mẫu quảng cáo in kèm sản phẩm đều có một đặc điểm chung là gắn mác “gia truyền”, “không khỏi bệnh, trả lại tiền” và hứa hẹn đủ điều chỉ sau 2, 3 liệu trình thì khỏi bệnh.
Giới thiệu với PV khi muốn bán một loại thực phẩm chức năng về xương khớp, một người bán hàng qua mạng nói: “Chất lượng sản phẩm là quan trọng. Mua sản phẩm là có hóa đơn đỏ. Nếu dùng sản phẩm bị làm sao chỉ cần mang hóa đơn đỏ lên công ty, họ sẽ trả lại tiền cho anh và thu hồi lại sản phẩm. Đây thường là người nhà giới thiệu cho người nhà hoặc anh tự lựa chọn, không hề ép phải mua”.
Thực phẩm chức năng Hằng Thu quảng bá là thuốc, tổ chức hội thảo rầm rộ, tuyển cộng tác viên online. |
Tiếp xúc với một người rao bán rất nhiều loại thực phẩm chức năng của Công ty TNHH Hằng Thu Pharma, có địa chỉ tại 68, đường Lương Văn Can, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, PV được người này lôi ra một số giấy tờ và hô biến, các sản phẩm này đã được Bộ Y tế cấp giấy phép an toàn cho người sử dụng.
Trong đó, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho “thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hằng Thu”, và một số phiếu kết quả thử nghiệm tại vài trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm do khách hàng tự đi thử nghiệm.
Người này hiện đang làm đại lý phân phối sản phẩm Hằng Thu tại tỉnh Bình Dương và theo lời chị này thì cơ sở chị có nhiều loại thuốc cổ truyền đặc trị bệnh hiệu quả mà thuốc tây không chữa khỏi.
Ví dụ như viên uống “dạ dày Hằng Thu” với lời rao là “thuốc điều trị bao tử bị viêm loét”, “xóa sổ được bệnh dạ dày”. Còn viên uống “điều kinh gia truyền Hằng Thu” có tác dụng “điều trị bệnh đau bụng kinh”, “hết đa nang buồng trứng”, “hết nhân xơ tử cung”; hay “Viên kén đặt Hằng Thu” thì được cho là đã giúp nhiều phụ nữ vô sinh được mang thai. Chưa hết, người bán hàng này còn gửi phản hồi của khách hàng sau khi dùng sản phẩm hay phiếu siêu âm thai nhi của nhiều phụ nữ hiếm muộn con….
Trên mạng xã hội Facebook, hiện cũng có rất nhiều trang bán các loại thực phẩm chức năng mang tên Hằng Thu, như: “Nhà thuốc Hằng Thu”, "Phụ khoa Hằng Thu".... Các trang bán hàng này, ngoài việc quảng cáo sản phẩm bằng những lời lẽ có cánh, họ còn đăng tuyển cộng tác viên kinh doanh thuốc Hằng Thu hoặc những hội thảo vinh danh các nhà phân phối có doanh số bán hàng lớn.
Trong đó, một điểm đáng chú ý là Công ty TNHH Hằng Thu Pharma đang qua mặt cơ quan chức năng bằng cách xây dựng một hệ thống bán hàng online với những người không có chứng chỉ chuyên môn, bằng cấp theo quy định của pháp luật.
Cùng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, thì nhu cầu làm đẹp… bằng thực phẩm chức năng cũng đang nở rộ và là sự lựa chọn của nhiều người, nhất là chị em phụ nữ. Tuy nhiên, chất lượng, nguồn gốc của các loại sản phẩm làm đẹp trên thị trường hiện cũng rất nhộn nhạo như một mớ bòng bong.
Hàng vạn, hàng triệu sản phẩm được bày bán, rao bán công khai, nhưng người dùng thì chả biết đâu là thật, đâu là giả. Chất lượng nhiều loại thực phẩm chức năng cũng không biết tốt-xấu ra sao. Các cơ quan quản lý, những người có trách nhiệm ở đâu hay cũng đang bị cuốn vào ma trận này?.
Mời bạn đọc theo dõi bài viết tiếp theo trong loạt bài "Thực phẩm chức năng: Thật – Giả lẫn lộn, hệ lụy khôn lường":
Bài 2: Nan giải bài toán quản lý thực phẩm chức năng
“Bát nháo” cho vay trực tuyến chiếm tỷ lệ khiếu nại rất cao