Nhiều nút thắt cản trở liên kết vùng TP HCM

VOV.VN - Vùng TP HCM còn đang riêng lẻ ở mức quan hệ song phương giữa các địa phương mà chưa hình thành một khối gắn kết chặt chẽ.

Qua hơn 30 năm đổi mới, các tỉnh, thành Nam bộ nói chung, các đô thị ở Nam Bộ nói riêng đã có sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khu vực TP HCM. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã dẫn đến những thách thức như tình trạng kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm khói bụi, phân hóa xã hội, biến đổi khí hậu… và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang lại nhiều thách thức về khả năng thích ứng.

Hiện sự liên kết trong vùng Nam Bộ, mà cụ thể hơn là vùng TP HCM còn đang riêng lẻ, mới ở mức mối quan hệ song phương giữa các địa phương chứ chưa hình thành một khối gắn kết. Nam Bộ gồm 19 tỉnh, thành phố trong đó có 2 thành phố trực thuộc Trung ương là TP HCM và Cần Thơ. Đây là vùng chỉ chiếm 19,6% diện tích toàn quốc nhưng chiếm 37,8% dân số, có quy mô và mật độ dân số đô thị cao nhất nước. Trong khu vực này, TP HCM là đầu tàu kinh tế, xã hội và đang đẩy mạnh việc phát triển vùng TP HCM.

TP HCM là lõi thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh thành xung quanh và có sự liên hệ mật thiết với nhau về giao thông, không gian xây dựng và cả con người.
Nhưng vùng này đang có nhiều vấn đề liên quan đến việc phát triển đô thị bền vững, đặc biệt là tính liên kết hệ thống. Đây không phải là vấn đề mới nhưng chỉ khi nào giải quyết vấn đề này sẽ thúc đẩy phát triển của từng đô thị và cả vùng TP HCM.

Theo PGS.TS. Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, mặc dù chính sách có, nỗ lực rất nhiều nhưng sự hợp tác liên kết giữa TP HCM với các đô thị khác chưa phát huy hết tiềm năng. Vấn đề này liên quan nhiều đến chính sách đất đai, ngân sách đầu tư và cần phải chuyên môn hóa đô thị, có chức năng bổ sung lẫn nhau, không phải chồng lấn nhau.

Ví dụ, TP HCM là trung tâm cần phải chuyên môn hóa lĩnh vực gì, cái gì thuộc về các thành phố xung quanh? Khi đó mới có thể phát huy toàn bộ nguồn lực. Ngoài ra, cần phải nhìn rộng ra, đặt TP HCM vào sự phát triển của cả Nam Bộ, bởi TP HCM là trái tim của vùng, nằm ở trục tâm điểm Bắc - Nam và Đông - Tây để từ đó có thể điều chỉnh các chức năng để đảm bảo sự phát triển bền vững của mình trong sự phối hợp với các đơn vị khác.

“Cần phát triển đô thị như một hệ thống và nhìn ra góc độ toàn vùng, không phải từng đô thị, như thế sẽ có sự phân công phối hợp thực thi trên thực tế. Dù các quy hoạch đô thị, từ 2010 đã đặt TPHCM trong vùng đô thị, nhưng thực tế còn nhiều nút thắt ngổn ngang phải gỡ”, PGS. Lê Thanh Sang nói.

Nhiều chuyên gia đánh giá, tính liên kết giữa TP HCM với các đô thị xung quanh và cả khu vực còn khá rời rạc, hạn chế. Mặc dù đã có các Ban chỉ đạo khu vực nhưng việc liên kết vẫn mang tính đơn lẻ, tự chọn.

Ví dụ, TP HCM không liên kết với vùng Tây Nam Bộ mà chỉ liên kết với một tỉnh thuộc vùng đấy, nó vẫn mang tính song phương, địa phương với nhau, như thế sẽ không phát huy hết hiệu quả.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cũng cho rằng, hiện không có dự án gì TP HCM ký với miền Tây Nam Bộ. Vùng động lực miền Tây Nam Bộ kí với TP HCM chương trình gì cũng chưa thấy. Nhưng từng tỉnh miền Tây với TP HCM thì có. Hoặc TPHCM với từng tỉnh Tây Nguyên thì có nhưng bảo TP HCM ký gì đó với vùng Tây Nguyên để phát triển mang cấp độ vùng thì rất mờ nhạt.

TP HCM là lõi của vùng, thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh thành xung quanh và có sự liên hệ mật thiết với nhau về giao thông, không gian xây dựng và cả con người. Thành phố có vai trò thúc đẩy, là đầu tàu của khu vực.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, TP HCM hiện nay không nên phát triển đơn lẻ thành một đô thị quá lớn mà nên chia sẻ, giúp đỡ, liên kết với các đô thị xung quanh để bổ sung, cùng phát triển.

Theo GS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển, khái niệm vùng là còn mới và là vấn đề khó. Định hướng phát triển thế nào, cách làm ra sao thì phải tính toán. Tuy nhiên, ở mỗi vùng đều có một tỉnh, thành lớn đều có ý tưởng để làm mạnh lên vùng đó.

“Vùng đô thị không phải vùng hành chính mà là vùng không có biên giới. Thậm chí không có ban chỉ đạo mà mỗi địa phương phải có nhận thức vai trò của mình để liên kết với nhau. Hiện chưa có đầu não chung để làm thành một vùng đô thị có định hướng riêng, nhưng các tỉnh, thành lớn nên có ý tưởng định hướng để đẩy mạnh vùng đô thị này”, GS.TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân nêu quan điểm.

Sự hợp tác liên kết giữa TP HCM với các đô thị khác chưa phát huy hết tiềm năng.
Một trong những vấn đề mà các chuyên gia đặt ra để phát triển đô thị, liên kết vùng là làm thế nào để giảm thiểu sự khác biệt, phân tầng xã hội. Làm sao để người nghèo, nhất là người di cư từ vùng nông thôn, vùng chưa phát triển… khi di chuyển lên các trung tâm lớn như TP HCM có thể vừa có nguồn nhân lực và còn phát triển bền vững.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Xoan, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết, vấn đề không chỉ đơn giản là tiếp nhận con người để giải quyết bài toán nguồn nhân lực, thành phố cần phải giải quyết vấn đề sức khỏe, nhà ở và nhiều vấn đề nữa.

“Giải quyết vấn đề này không thể một sớm một chiều mà phải có cái nhìn một cách hệ thống, toàn diện và không chỉ có vai trò của nhà nước mà còn của các tổ chức xã hội, của các nhà nghiên cứu”, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Xoan nhận định.

Muốn phát triển vùng bền vững, hiệu quả cần phải có sự quyết tâm, ý chí của các địa phương. Làm sao để tất cả các địa phương trong vùng có thể cộng hưởng lại để cùng phát huy tất cả các tiềm năng của mình và đóng góp vào sự phát triển chung của vùng.

Muốn thế, Chính phủ cần phải tạo ra cơ chế cụ thể để có thể tạo sự đồng thuận giữa các địa phương trong vùng để có tầm nhìn chiến lược rồi mới đi vào cụ thể./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Liên  kết vùng để phát huy tối đa lợi thế của các địa phương
Liên kết vùng để phát huy tối đa lợi thế của các địa phương

VOV.VN - Liên kết vùng là một phần của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Liên  kết vùng để phát huy tối đa lợi thế của các địa phương

Liên kết vùng để phát huy tối đa lợi thế của các địa phương

VOV.VN - Liên kết vùng là một phần của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Liên kết vùng: Tạo sự “cộng hưởng” trong phát triển kinh tế quốc gia
Liên kết vùng: Tạo sự “cộng hưởng” trong phát triển kinh tế quốc gia

VOV.VN - Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn theo nguyên tắc “cùng thắng” để tối ưu hóa hiệu quả cũng như khả năng chống chịu với các rủi ro.

Liên kết vùng: Tạo sự “cộng hưởng” trong phát triển kinh tế quốc gia

Liên kết vùng: Tạo sự “cộng hưởng” trong phát triển kinh tế quốc gia

VOV.VN - Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn theo nguyên tắc “cùng thắng” để tối ưu hóa hiệu quả cũng như khả năng chống chịu với các rủi ro.

Liên kết vùng: Cần đo lường được hiệu quả cơ quan điều phối vùng
Liên kết vùng: Cần đo lường được hiệu quả cơ quan điều phối vùng

VOV.VN - Khi liên kết vùng không đúng với nguyên lý sẽ khó trở thành công cụ quản lý nhà nước thích hợp tạo ra sự kết dính lãnh thổ giữa các tỉnh trong vùng.

Liên kết vùng: Cần đo lường được hiệu quả cơ quan điều phối vùng

Liên kết vùng: Cần đo lường được hiệu quả cơ quan điều phối vùng

VOV.VN - Khi liên kết vùng không đúng với nguyên lý sẽ khó trở thành công cụ quản lý nhà nước thích hợp tạo ra sự kết dính lãnh thổ giữa các tỉnh trong vùng.