Nhiều tỉnh ĐBSCL ồ ạt phá bỏ nhãn bị bệnh chổi rồng

Hiện tại, nhiều nhà vườn ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… đã đốn phá số diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng để trồng các loại cây ăn trái khác.

Theo Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, đến nay khu vực phía Nam đã có hơn 24.400 ha nhãn bị bệnh chổi rồng. Trong đó, diện tích nhãn bị nhiễm nặng là gần 13.000 ha thiệt hại về năng suất từ 60 - 90%. Hiện toàn vùng ĐBSCL có 7 tỉnh, thành đã công bố dịch bệnh chổi rồng. Các tỉnh có diện tích nhãn bị bệnh thiệt hại cao là Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long.

Thời gian qua, Viện nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam và Ngành nông nghiệp các địa phương đã tích cực tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nhà vườn tiêu diệt nhện long nhung, phòng trị bệnh chổi rồng nhưng hiệu quả không cao.

Hiện tại, nhiều nhà vườn ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… đã đốn phá số diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng để trồng các loại cây ăn trái khác. Ông Lý Tấn Phương, Chủ tịch Hội nông dân xã Sơn Định (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Trên địa bàn xã, gần đây, diện tích nhãn bị co hẹp, còn không được 20% so với diện tích cũ. Tức là toàn xã chỉ còn trê dưới 50 ha, chủ yếu là trồng xen vì bị bà con phá nhiều rồi. Nguyên nhân là do cây nhãn bị bệnh chổi rồng, không có trái. Gần đây Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho bà con nông dân khắc phục bệnh chổi rồng, nhưng thực tế các giải pháp đó bà con ứng dụng vẫn không có lợi. Từ đó bà con không còn đam mê với cây nhãn.”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên