Nhiều vướng mắc trong thủ tục hành chính thuế, hải quan
VOV.VN -Hiện tượng nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, gây tâm lý ức chế, bất bình trong doanh nghiệp...
Ngành thuế và hải quan là hai lĩnh vực liên quan trực tiếp đến các quyền lợi của doanh nghiệp. Đứng trước khó khăn của nền kinh tế và để đáp ứng yêu cầu hội nhập, các ngành này đã thực hiện nhiều cải cách cả về chính sách và thủ tục, nhằm hướng đến sự thuận tiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong tiếp cận và hoàn thiện nghĩa vụ đối với nhà nước.
Bên cạnh việc giải tỏa kịp thời khó khăn thì trên thực tế vẫn còn những vướng mắc chưa được khắc phục triệt để, hiện tượng nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, gây tâm lý ức chế, bất bình trong doanh nghiệp và cộng đồng nói chung.
Ngành thuế đang phấn đấu giảm thời gian kê khai nộp thuế từ 872 giờ xuống còn 171 giờ vào cuối tháng 9/2015 (Ảnh minh họa:FinancePlus)
Khó khăn trong thực hiện chính sách thuế đối với nhiều doanh nghiệp tập trung ở thủ tục hoàn thuế, ưu đãi và miễn trừ thuế. Nhiều doanh nghiệp cho rằng: quy định mới trong văn bản pháp luật về thuế vẫn chưa đồng bộ với các văn bản pháp quy mang tính chuyên ngành khác. Trong khi đó, việc tiếp nhận và trả lời vướng mắc cho doanh nghiệp từ phía các đơn vị có liên quan của cả ngành thuế và hải quan còn hạn chế.
Theo ông Khúc Thế Hùng, Công ty TNHH một thành viên Hóa dầu Quân đội, phương thức hạch toán về thuế hiện nay còn bất tiện cho doanh nghiệp: “Công ty ở khu vực phía Nam và phát triển các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các tỉnh. Nếu mỗi một cửa hàng, đơn vị kinh doanh rất nhỏ đó mà phải thành lập chi nhánh để thực hiện việc nộp thuế thì không phù hợp với quy mô và mô hình quản lý của doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị xem xét lại cách kê khai và nộp thuế”.
Không chỉ ở doanh nghiệp có quy mô lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gặp nhiều rắc rối không kém. Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty TNHH nhóm liên kết Châu Quốc Đạt cho biết: từ tháng 4 năm ngoái đến nay, doanh nghiệp đã nhận được 14 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục Thuế thành phố do không thông báo sử dụng tiếp mẫu hóa đơn theo quy định. Trong khi trước đó, doanh nghiệp này đã liên hệ nộp hồ sơ tại Chi cục Thuế quận Gò Vấp nhưng bị từ chối.
Bà Nguyệt giải thích thêm: Vào thời điểm đó, Công ty có nộp tất cả văn bản liên quan lên Chi cục thuế Gò Vấp nhưng tổ tiếp nhận hồ sơ cho rằng công ty quá nhỏ nên không cần thông báo, Chi cục thuế sẽ tự theo dõi được cho nên không nhận. Nhưng sau 2 năm, công ty nhận được quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế tài chính, phong tỏa tài sản tại ngân hàng.
Cùng với ngành thuế, mối quan hệ giữa hải quan và doanh nghiệp cũng đang tồn tại những bất cập, thể hiện rõ nhất sự thiếu đồng bộ trong thông tin về quá trình hoàn thiện lệ phí tờ khai. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã thực hiện đóng lệ phí đầy đủ nhưng do thông tin không hiển thị trên hệ thống, nên vẫn bị coi là nợ, dẫn đến các hệ lụy khác.
Ngoài ra, giữa các cơ quan Hải quan địa phương, Kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại chưa có sự phối hợp đồng bộ trong việc chuyển tiền, nhận tiền và cung cấp thông tin doanh nghiệp đã nộp thuế, gây ảnh hưởng đến thời gian nhận hàng, không kịp thời đáp ứng tiến độ sản xuất kinh doanh.
Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, những khó khăn vướng mắc nảy sinh đang được ngành tiếp tục nghiên cứu, kịp thời tháo gỡ trong thời gian tới: “Chúng tôi đang làm thí điểm chương trình để giảm nhẹ việc giám sát qua cổng cảng, đó là sử dụng hệ thống mã vạch trên tờ khai để không cần phải đọc, phải điền nữa. Đối với hệ thống thông quan điện tử sẽ chuẩn bị thực hiện 1 cửa quốc gia, giảm nhẹ thời gian làm thủ tục và chi phí của doanh nghiệp”.
Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài Chính, hiện nay ngành thuế đang phấn đấu giảm thời gian kê khai nộp thuế từ 872 giờ xuống còn 171 giờ vào cuối tháng 9/2015. Đối với ngành hải quan phải giảm thời gian thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa từ 21 ngày xuống còn 14 ngày. Đó là mục tiêu và quan điểm chỉ đạo của việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Để thực hiện mục tiêu đó, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp. Trong đó, quan trọng là cải cách thể chế chính sách, bao gồm sửa các luật như Luật Hải quan, Luật quản lý thuế...
Để đẩy mạnh quá trình cải cách thủ tục hành chính, rà soát, sửa đổi các văn bản pháp quy, quy trình thủ tục hành chính của cơ quan thuế và hải quan, theo các doanh nghiệp, cả hai ngành này cần tăng cường hơn nữa việc thông tin tuyên truyền, duy trì liên tục cơ chế đường dây nóng hoặc trực thông tin, đảm bảo kết nối thường xuyên giữa người nộp thuế hoặc doanh nghiệp với cơ quan thuế, hải quan. Đồng thời, duy trì cơ chế đối thoại, trao đổi ở các cấp ngành, địa phương nhằm hỗ trợ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tránh dây dưa và để lại những hậu quả không đáng có./.