NHNN lý giải lý do giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%
VOV.VN - Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước vừa giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng, nguyên tắc tính chỉ tiêu tăng trưởng được NHNN quy định theo công thức:
Thứ nhất, dư nợ tín dụng tối đa đến 31/12/2024 bằng dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 cộng điểm xếp hạng năm 2022 nhân 3,5%, nhân dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 trừ đi dư nợ tín dụng vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước thông báo năm 2023 (nếu có); trừ các khoản bán dư nợ tín dụng thực hiện bán trong năm 2024 và chưa thu tiền đến thời điểm tính dư nợ tín dụng (nếu có).
Thứ hai, tổ chức tín dụng (trừ ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh) kiểm soát tăng trưởng tín dụng ( bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) không vượt quá mức dư nợ tín dụng được nêu ở Mục 1 trong suốt năm 2024.
Thứ ba, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh kiểm soát tăng trưởng tín dụng (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) đến cuối năm 2024 không vượt quá mức dư nợ tín dụng được nêu ở Mục 1.
Lý giải lý do vì sao NHNN quyết định phân bổ hết chỉ tiêu tín dụng cho cả năm 2024 ngay từ đầu năm, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, khó khăn nền kinh tế năm 2023 sẽ còn tiếp tục, khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rất rõ ràng, các ngân hàng trung ương lớn vẫn chưa hạ lãi suất, khả năng suy thoái nhẹ có thể xảy ra với các nền kinh tế lớn như Mỹ… Do đó, xu hướng xuất khẩu giảm, tiêu dùng giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến một nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam.
“Năm 2023, chúng ta ngấm điều đó rất rõ, với những lý do đó, NHNN đã nghiên cứu và giao ngay tăng trưởng tín dụng để cố gắng nỗ lực thúc đẩy tổng cầu. Đây là một trong những giải pháp ngân hàng có tính rất chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Phạm Chí Quang thông tin.