Nhóm ngành nào sẽ “dẫn sóng” thị trường chứng khoán năm 2023?

VOV.VN - Các chuyên gia cho rằng, những nhóm ngành như: ngân hàng, xây dựng, dầu khí, năng lượng...sẽ có sự tăng trưởng trong năm 2023.

Cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn?

Với các động lực từ đầu tư công, Trung Quốc đang dần loại bỏ chiến dịch “zero-Covid” góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, du lịch và lĩnh vực sản xuất; hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tươi sáng hơn vào nửa cuối 2023, trong khi nguồn vốn FDI vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong trung và dài hạn… ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đưa ra ba kịch bản cho thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2023. Theo đó, kịch bản cơ sở (có xác suất cao) là chỉ số đạt 1.258 điểm trong năm 2023, tăng 24,9% so với phiên 30/12/2022 và tăng 12,6% so với phiên 27/1/2023. Kịch bản bi quan là chỉ số giảm điểm, dao động quanh ngưỡng 1.000. Kịch bản lạc quan, chỉ số đạt 1.405 điểm, khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) “quay xe” trong việc điều hành lãi suất cuối năm nhằm hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế lạm phát.

“Kịch bản cơ sở là kịch bản xảy ra có xác suất cao nhất. Tuy nhiên, theo phân tích mô hình dự phóng của chúng tôi, kịch bản bi quan có xảy ra thì chỉ số VN-Index cũng có thể sẽ không giảm mạnh trong năm 2023 và vẫn biến động quanh mức 1.000 điểm”, chuyên gia của YSVN nhận định.

Trong giai đoạn “mưa đã tạnh nhưng mây chưa tan”, ông Minh cho rằng, các nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược phòng thủ trong 6 tháng đầu năm 2023 cho đến khi có thay đổi hành động điều hành chính sách tiền tệ mới từ Fed với các nhóm ngành chú ý: dầu khí, điện nước và khí đốt, tiêu dùng thiết yếu.

Cùng với đó, chuyên gia của YSVN cũng lưu ý tới các câu chuyện chuyên biệt của thị trường có thể mang lại cơ hội đầu tư trong năm 2023. Nổi bật nhất là nhóm du lịch hàng không hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa và đầu tư công với nhiều mục tiêu có thể đạt được trong năm 2023 khi các mục tiêu này chưa thể đạt được trong 3 năm trước đó do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

“Ngân hàng sẽ là nhóm ngành dẫn dắt đà tăng của thị trường năm 2023. Đây là nhóm có sức khỏe tốt nhất, vốn hóa lớn nhất thị trường, mang theo những bệ phóng đủ mạnh để dẫn dắt xu hướng. Hiện tại, nhóm ngân hàng có thể thay thế các nhóm cổ phiếu khác như bất động sản. Trong bối cảnh tỷ lệ P/B của nhiều ngân hàng đang loanh quanh trên dưới mức 1 lần, nghĩa là định giá của nhóm này đang khá hấp dẫn”, ông Nguyễn Thế Minh nói.

Trong môi trường lãi suất cao đang là thách thức lớn cho tăng trưởng của nhóm ngành này, cùng với đó là rủi ro nợ xấu và tình hình thanh khoản của các doanh nghiệp, ông Minh cho rằng, với lãi suất, dù có xu hướng tăng lên nhưng vẫn sẽ bớt căng thẳng. Còn thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tôi cho là không đáng ngại.

“Nền kinh tế đang trong giai đoạn chững lại của một chu kỳ tăng trưởng, nhưng sức khỏe của nó đã được kiểm chứng kể từ 2013 - thời điểm FDI tăng mạnh vào thị trường. Về cơ bản, kênh vĩ mô sẽ tốt, việc tăng ổn định vốn ngân hàng sẽ giúp sức khỏe nhóm này không ảnh hưởng, thanh khoản rất dồi dào, qua đó giúp nhóm ngành này dẫn dắt thị trường trong năm tới”, chuyên gia của YSVN nêu quan điểm.

Đầu tư công - điểm sáng trong năm 2023

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), TTCK đã phục hồi khá trong hai tháng trở lại đây với kỳ vọng đầu tư công được thực hiện một cách hiệu quả sẽ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong dài hạn và từ đó giúp tạo nên một nền tảng phát triển vững chắc cho TTCK Việt Nam về trung và dài hạn. Còn trong ngắn hạn, cụ thể là năm nay, TTCK vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh chính sách tiền tệ vẫn ở trong trạng thái thắt chặt và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết thì vẫn có khả năng tiếp tục sụt giảm trong ít nhất nửa đầu năm nay.

Cũng theo ông Linh, trong ngắn hạn, nhóm hưởng lợi trực tiếp khi đầu tư công được thúc đẩy sẽ bao gồm: các công ty tư vấn xây dựng, các nhà thầu xây dựng và các công ty cung cấp vật liệu xây dựng để phục vụ cho các công trình hạ tầng giao thông, kể cả những công trình về điện, nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đi theo xu hướng của thế giới là thực hiện việc chuyển đổi số. Đấy cũng là một phần trong đầu tư công. Điều đó sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành về công nghệ thông tin.

“Nếu như là các công trình về hạ tầng dần đưa vào sử dụng trong thực tế thì nó sẽ tạo một cú hích lớn cho nền kinh tế. Trước mắt là khiến cho việc lưu thông hàng hóa trở nên thuận tiện và thông suốt hơn, góp phần làm giảm chi phí logistics. Như vậy, nhóm ngành được hưởng lợi chắc chắn là những công ty về logistics”, ông Linh cho biết.

Bên cạnh đó là những công ty về bán lẻ và dịch vụ cũng sẽ được hưởng lợi, do chi phí logictics hiện nay cũng chiếm một tỷ trọng tương đối trong cơ cấu chi phí của họ.

“Còn trong dài hạn, đầu tư công nếu được thực hiện một cách hiệu quả sẽ mang lại hiệu ứng lan tỏa rất tích cực và sâu rộng đến nền kinh tế, từ đó mọi ngành nghề đều được hưởng lợi”, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, đầu tư công là nhóm ngành chính phải có trong danh mục đầu tư trong năm 2023. Theo ông Ngọc, nhóm đầu tư công là nhóm ngành sẽ có rất nhiều cơ hội trong năm nay, sau khi đã chịu nhiều tác động tiêu cực trong 2-3 năm vừa qua như: đầu tư công chậm, thị trường bất động sản gặp khó khăn, xây dựng công nghiệp và xây dựng dân dụng đều có chiều hướng đi xuống, giá cả nguyên vật liệu cho xây dựng tăng cao, từ đó, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhóm này.

“Trong nhóm xây dựng (gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp), nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý đến xây dựng cơ sở hạ tầng do hưởng lợi từ các kế hoạch giải ngân đầu tư công đã được đẩy mạnh ngay từ đầu năm nay với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng đẩy mạnh chính sách tài khóa để tạo ra động lực cho nền kinh tế”, ông Ngọc cho hay.

Theo nhiều chuyên gia, TTCK năm 2023 sẽ đi vào xu hướng tích lũy và cơ hội đầu tư ngắn hạn sẽ khó khăn hơn còn cơ hội đầu tư trung và dài hạn sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, nhà đầu tư trong năm 2023 hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Đối với nhà đầu tư thiên về trung và dài hạn có thể chia số tiền để mua trung bình chi phí từ nay cho đến hết năm 2023./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhà đầu tư nội bắt đầu “thờ ơ” với thị trường chứng khoán?
Nhà đầu tư nội bắt đầu “thờ ơ” với thị trường chứng khoán?

VOV.VN - Sau chuỗi thời gian tăng trưởng nóng, lượng tài khoản chứng khoán mở mới sụt giảm mạnh trong tháng 1/2023, chỉ tương đương khoảng 1/3 so với tháng trước và là mức thấp nhất trong vòng 26 tháng kể từ tháng 10/2020.

Nhà đầu tư nội bắt đầu “thờ ơ” với thị trường chứng khoán?

Nhà đầu tư nội bắt đầu “thờ ơ” với thị trường chứng khoán?

VOV.VN - Sau chuỗi thời gian tăng trưởng nóng, lượng tài khoản chứng khoán mở mới sụt giảm mạnh trong tháng 1/2023, chỉ tương đương khoảng 1/3 so với tháng trước và là mức thấp nhất trong vòng 26 tháng kể từ tháng 10/2020.

Thị trường chứng khoán năm 2023: Rủi ro song hành cùng cơ hội
Thị trường chứng khoán năm 2023: Rủi ro song hành cùng cơ hội

VOV.VN - Những khó khăn của năm 2022 có thể sẽ kéo dài sang năm 2023, tuy nhiên, triển vọng TTCK năm 2023 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn khi lạm phát giảm dần, lãi suất có xu hướng tạo đỉnh và giảm dần; áp lực lên tỷ giá giảm, chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng dần và dòng tiền lớn trở lại khi định giá đang ở vùng hấp dẫn.

Thị trường chứng khoán năm 2023: Rủi ro song hành cùng cơ hội

Thị trường chứng khoán năm 2023: Rủi ro song hành cùng cơ hội

VOV.VN - Những khó khăn của năm 2022 có thể sẽ kéo dài sang năm 2023, tuy nhiên, triển vọng TTCK năm 2023 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn khi lạm phát giảm dần, lãi suất có xu hướng tạo đỉnh và giảm dần; áp lực lên tỷ giá giảm, chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng dần và dòng tiền lớn trở lại khi định giá đang ở vùng hấp dẫn.

Xu hướng tăng điểm đang chững lại, nhà đầu tư chứng khoán cần thận trọng
Xu hướng tăng điểm đang chững lại, nhà đầu tư chứng khoán cần thận trọng

VOV.VN - Với đà bán mạnh trong phiên 1/2 thì mốc hỗ trợ 1.070 điểm khó có thể giữ vững trong phiên hôm nay 2/2. Vì vậy, vị thế mua đang có rủi ro lớn hơn, nên nhà đầu tư cần thận trọng hơn. Chờ thêm những thông tin được công bố để định hình lại xu hướng của thị trường trước khi mở thêm vị thế mua mới.

Xu hướng tăng điểm đang chững lại, nhà đầu tư chứng khoán cần thận trọng

Xu hướng tăng điểm đang chững lại, nhà đầu tư chứng khoán cần thận trọng

VOV.VN - Với đà bán mạnh trong phiên 1/2 thì mốc hỗ trợ 1.070 điểm khó có thể giữ vững trong phiên hôm nay 2/2. Vì vậy, vị thế mua đang có rủi ro lớn hơn, nên nhà đầu tư cần thận trọng hơn. Chờ thêm những thông tin được công bố để định hình lại xu hướng của thị trường trước khi mở thêm vị thế mua mới.