Những điểm cần lưu ý để duy trì và gia tăng sức hút đầu tư vào Việt Nam
VOV.VN - Bốn tháng qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 5,92 tỷ USD - là giá trị cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2018-2021. Đây là tín hiệu tốt - tạo động cho tăng trưởng kinh tế những tháng còn lại và cả năm 2022.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khẳng định, muốn duy trì được và gia tăng “sức hút đầu tư”, trong bối cảnh kinh tế biến động khôn lường, Việt Nam cần quan tâm cải thiện những yếu tố vừa có tính nền tảng, vừa có tính mới.
Không phải đến nay mà nhiều năm trở lại đây, thậm chí ngay ở giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng, cả trong nước và quốc tế, Việt Nam vẫn được nhìn nhận là “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cách đây chưa lâu, vào tháng cuối năm 2021, một con số kỷ lục đã được ghi nhận - vốn FDI tăng tới 4,69 tỷ USD so với cùng kỳ 2020 - năm đầu tiên chịu tác động của Covid-19.
Cả năm 2021, con số này tương đương 31,2 tỷ USD - trở thành động lực, khích lệ toàn nền kinh tế. Tới nay, vốn FDI tiếp tục khẳng định là một trong những trụ cột vững chắc khi đạt 5,92 tỷ USD trong 4 tháng - là giá trị cao nhất cùng kỳ 4 năm, từ 2018 đến 2021.
Làm thế nào để duy trì được và tăng cường hơn nữa “sức hút đầu tư”, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng bởi chiến sự Nga-Ukraine, chính sách Zero Covid tại nước láng giềng Trung Quốc tác động kinh tế nước ta; và sự thiếu hụt, chênh lệch cung-cầu lao động diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước?
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu kinh tế Economica Việt Nam cho rằng: "Các nhà đầu tư họ quan tâm sự cải thiện của Việt Nam với cơ sở hạ tầng. Có 2 phần, một là cơ sở hạ tầng cứng như cầu cảng, bến bãi, đường sá, cao tốc, sân bay, năng lực vận tải.
Đó là những việc hiện chúng ta đang làm. Với cơ sở hạ tầng mềm, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, ví dụ cải cách môi trường kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng kỹ năng nghề của người công nhân, năng lực thích ứng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và người dân từ trong nước, chất lượng quản trị công, dịch vụ công".
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia khẳng định, thực thi tốt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là giải pháp cần được quan tâm cho mục tiêu thu hút vốn FDI. Việt Nam cũng cần tăng cường những hành động thực hiện và cam kết thực hiện mục tiêu trung hoà carbon - hướng tới Net Zero vào năm 2050.
Điều này sẽ giúp Việt Nam mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh mới, thu hút các nhà đầu tư cấp vốn vào nhiều lĩnh vực: tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn… đóng góp cho sự phát triển của toàn nền kinh tế, cả trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn./.