Những “đốm sáng” nuôi biển ngoài khơi xa
VOV.VN - Một số mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng thức ăn công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… là những “đốm sáng” trong phát triển triển nghề nuôi biển bền vững.
Trong bối cảnh khai thác thác thủy sản ngày càng gặp khó do trữ lượng giảm, việc chuyển từ khai thác sang nuôi trồng là giải pháp tất yếu trên con đường phát triển bền vững. Hơn nữa, chuyển từ cách nuôi trồng truyền thống lạc hậu sang phương thức hiện đại, kết hợp ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo ra các sản phẩm giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các mô hình nuôi biển công nghiệp cần nguồn vốn lớn, nên chỉ có một số ít DN đầu tư nuôi biển theo hướng này. Thực tế gần đây cho thấy đã có một số mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng thức ăn công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đó như những “đốm sáng” trong phát triển nghề nuôi biển bền vững.
Mỗi ngày, các bể xi măng nuôi tôm hùm ở trại nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Đắc Lộc luôn được sục khí để làm sạch môi trường, cung cấp đầy đủ ô xy. Đây là trại nuôi tôm hùm quy mô lớn, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu đầu tiên tại xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, và cũng là cơ sở đầu tiên ở các tỉnh Nam Trung bộ.
Ông Nguyễn Hoàng Trực, cán bộ phụ trách kỹ thuật trại nuôi thủy sản công nghệ cao của Công ty TNHH Đắc Lộc cho biết, khi đưa tôm hùm vào bể xi măng nuôi theo quy trình khép kín giúp phát hiện kịp thời dịch bệnh, năng suất nuôi đạt cao.
“Nuôi tôm hùm trong bể xi măng sẽ kiểm soát được nhiệt độ, nước và trường. Nước bơm trực tiếp từ biển vào bể qua hệ thống kiểm soát nên độ mặn ổn định từ 28 – 32/1.000 và tỷ lệ vi sinh, dịch bệnh cũng được phát hiện kịp thời xử lý sớm nên khả năng hao hụt tôm nuôi rất thấp”, ông Trực giải thích.
Năm 2018, Công ty TNHH Đắc Lộc được Bộ KH&CN giao thực hiện nhiệm vụ “Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên”. Từ đầu năm 2019, DN này triển khai nuôi tôm hùm trong bể trên bờ, đến nay hệ thống nuôi khá ổn định. Tôm hùm đạt năng suất 1 tấn/300m2 diện tích bể nuôi, tương ứng 3,5kg/m2, tỷ lệ sống trên 70%, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Kết quả nuôi tôm hùm theo quy trình công nghệ mới đã hạn chế được dịch bệnh, không còn rủi ro về thiên tai, thời tiết. Việc sử dụng thức ăn công nghiệp giúp người nuôi chủ động nguồn thức ăn, không mang mầm bệnh. Thức ăn loại viên cũng làm giảm áp lực khai thác cá nhỏ, cá tạp ven bờ để làm thức ăn cho tôm cá, hạn chế tình trạng suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi ven bờ.
Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đắc Lộc cho biết, công nghệ tuần hoàn tái sử dụng nước, tạo môi trường thích hợp cho tôm hùm phát triển không gây ô nhiễm môi trường. “Nuôi tôm hùm trên bờ chứng tỏ hiệu quả khoa học công nghệ, hạn chế được dịch bệnh, thiên tai và hạn chế được mùa mất giá vì sản phẩm có khả năng xuất khẩu rất cao. Nếu tiếp tục nhân rộng mô hình này để giảm giá thành, hiệu quả kinh tế sẽ tăng cao”, ông Tình khẳng định.
Tại tỉnh Bình Định, chính quyền địa phương tập trung thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất con giống và nuôi trồng thủy sản, nuôi biển công nghệ cao. Từ năm 2005, Công ty CP Việt - Úc Bình Định được Tập đoàn Thủy sản Việt - Úc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chất lượng cao trên diện tích 8ha tại huyện Phù Mỹ, mỗi năm đạt sản lượng 1.200-1.600 tấn tôm thương phẩm. Ông Chế Thanh Hưng, Giám đốc điều hành CP Cổ phần Việt - Úc Bình Định cho biết, tôm giống của đơn vị cung ứng có sức đề kháng mạnh và thích ứng với môi trường, nguồn nước ở bên ngoài và hoàn toàn sạch bệnh.
“DN đầu tư công nghệ trong các giai đoạn sản xuất và vận chuyển đến người nuôi tôm đạt chất lượng cao nhất, kiểm soát tối đa mầm bệnh đưa ra bên ngoài. Môi trường nuôi tôm ở miền Trung qua nhiều năm nên mầm bệnh tồn dư trong môi trường nước rất cao, việc đầu tư vào hệ thống sản xuất con giống đạt chất lượng để đưa ra môi trường là vấn đề vô cùng quan trọng”, ông Hưng cho hay.
Hiện nay, các tỉnh Nam Trung bộ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi nuôi biển theo công nghệ cao bằng lồng HDPE, lồng được làm bằng ống nhựa có độ bền cao. Loại lồng nuôi này có thể áp dụng tại vùng biển hở, hạn chế dịch bệnh, sản lượng nuôi đạt tỷ lệ cao. Tỉnh Phú Yên đang quy hoạch chi tiết, phân bố vùng nuôi 747 ha với 10 vùng nuôi, sắp xếp khoảng 44.000 lồng ở khu vực vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu.
Tại tỉnh Khánh Hòa hiện có 3 mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp hiện đại, nổi bật là Công ty Thủy sản Australis - Việt Nam với 46 lồng HDPE nuôi cá chẽm trên vịnh Vân Phong, tổng sản lượng 10.000 tấn/năm. Đây là mô hình nuôi biển hiện đại theo cách full thức ăn, lồng HDPE điều khiển bằng hệ thống vi tính. Công ty Australis - Việt Nam đầu tư sà lan chở thức ăn tự động cỡ lớn và 1 tàu thu hoạch tự động khá lớn mới có thể thu hoạch 200 tấn cá/ngày. Các trại chăn nuôi trên biển cũng đang tạo ra doanh thu xuất khẩu đáng kể và đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa kinh tế của tỉnh Khánh Hòa.
Tuy nhiên, ông Hoàng Ngọc Bình, Giám đốc vận hành Công ty thủy sản Australis - Việt Nam vẫn lo ngại về những vướng mắc hiện nay trong công tác quy hoạch nghề nuôi biển. “Mặt nước DN thuê được cấp phép 20 năm và đúng năm 2023 sẽ hết hạn. Tỉnh Khánh Hòa không có chủ trương cho thuê tiếp và yêu cầu DN phải di dời ra vùng biển hở làm cho DN rất khó khăn khi tiếp tục đầu tư. Đây là vướng mắc liên quan tới vấn đề kinh tế, tài chính cần được tạo điều kiện tháo gỡ, nhất là khi khu vực vịnh Vân Phong diện tích mặt nước đã đầy rồi, không còn khả năng phát triển thêm”, ông Hoàng Ngọc Bình lo lắng.
Thời gian qua, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã hoàn thành nghiên cứu công nghệ sản xuất một số loài cá biển, cá giống và nuôi thương phẩm cùng các loài nhuyễn thể; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu một số loài như cá múa nia, rong biển. Cục Thủy sản cũng đang nghiên cứu các loại thức ăn cho tôm hùm và các loài cá khác để nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi biển.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho biết, hiện hơn 99% trại nuôi biển ở Việt Nam, trong đó có các tỉnh Nam Trung Bộ đang ở quy mô hộ gia đình do ngư dân làm tự phát, công nghệ lạc hậu, không bền vững và thiếu sự liên kết. Một số DN đã đầu tư công nghệ nhưng chỉ ở quy mô DN, người dân chưa thể đầu tư mở rộng vì cần nguồn vốn rất lớn.
“Nuôi thủy sản quy mô công nghiệp ở Việt Nam dù đã có nhưng chưa có cơ sở nuôi cá biển xa bờ. Cả nước mới có 10 cơ sở nuôi cá biển theo phương thức công nghiệp, trong khi định hướng phát triển nuôi biển là di chuyển từ vùng biển kín ra các vùng biển hở xa bờ. Đối với phát triển hệ nuôi kín trên bờ đang là bước phát triển theo xu thế của thế giới, áp dụng tiếp cận nuôi biển đa dưỡng tích hợp, tích hợp nuôi biển với các ngành kinh tế khác”, TS Dũng nêu định hướng về nghề nuôi biển.
Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ, phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thương mại, hiện đại bền vững; Có trình độ quản lý khoa học tiên tiến; Có vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Các địa phương ven biển đang quy hoạch ngành thủy sản địa phương mình theo mục tiêu phát triển xanh, thân thiện với môi trường; Giảm khai thác, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng nuôi trồng để đảm bảo nguồn lợi thủy sản. Thực tế chiến lược này đang cần chính sách cụ thể để người dân và DN cùng nhau nuôi biển theo các mục tiêu đề ra./.
Cùng loạt bài:
Bài 1: Nuôi biển truyền thống, một “canh bạc” may rủi trên biển cả
Bài 2: Những “đốm sáng” nuôi biển ngoài khơi xa
Bài 3: Nuôi biển công nghiệp gắn bảo vệ môi trường, tích hợp phát triển đa ngành