Những kỳ vọng của doanh nghiệp trên “đường đua” năm 2022
VOV.VN - Năm 2022 xác định sẽ còn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, tuy vậy với hàng loạt chính sách được Quốc hội, Chính phủ thông qua đã tạo động lực cho các doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị cho phục hồi và đặt ra kế hoạch cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để phát huy tinh thần ấy mạnh mẽ hơn nữa, cộng đồng doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ cụ thể từ các nguồn lực để trở lại “đường đua” với kỳ vọng bứt phá dựa trên các đơn hàng đã ký đến nửa đầu năm 2022.
Năm 2022, nền kinh tế toàn cầu cũng như của Việt Nam được dần phục hồi với tín hiệu nhu cầu thị trường có nhiều điểm sáng và dự báo sẽ cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp sản xuất.
Theo ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, năm nay sẽ là năm bản lề để doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch hồi phục, lấy lại những gì đã mất của năm 2021. Do đó, mục tiêu của doanh nghiệp đặt ra sẽ là tăng trưởng hơn nữa, bởi trung bình hàng năm doanh nghiệp thường tăng trưởng 10%, do tác động của đại dịch chỉ còn 7-8%. Vì thế, các doanh nghiệp phải có chiến lược và kế hoạch để tăng trưởng, không thể để doanh nghiệp đi lùi vì sẽ ảnh hưởng đến các đánh giá từ ngân hàng, đối tác cung ứng và đối tác đầu tư bên ngoài.
“Năm 2022 sẽ lấy lại những gì đã mất của 2021 và hồi phục lại những gì trước dịch. Để làm việc này doanh nghiệp phải nỗ lực hơn 100%- 200% do đó doanh nghiệp phải rất quyết tâm trong việc này. Phải đặt mục tiêu tăng trưởng 50% là sự nỗ lực rất lớn đối với doanh nghiệp. Nếu không làm được thì doanh nghiệp sẽ không hoạt động được, ngân hàng sẽ thu hồi lại vốn tín dụng, nhà cung cấp thu hồi hàng hóa… doanh nghiệp bị thu hẹp quy mô” - ông Trần Việt Anh nói.
Vui mừng trước việc kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Phúc Khang cho biết doanh nghiệp hoàn thiện việc tái cấu trúc mô hình theo hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng dự án bất động sản cao cấp, trong đó chú trọng đến trách nhiệm xã hội.
“Đưa đến sự phát triển bền vững đó là chuyển đổi số để phù hợp với điều kiện của Covid-19. Lấy sức khỏe của cộng đồng làm trung tâm của sự phát triển, vẫn duy trì đảm bảo cho công việc sản xuất kinh doanh được phát triển, đóng góp vào lợi ích. Cùng với đó, tiếp tục đưa ra những sản phẩm mới, đảm bảo nhu cầu của người dân. Tiếp đến, doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển bền vững, đưa doanh nghiệp phát triển chú trọng đến trách nhiệm xã hội, để vừa bảo vệ các lĩnh vực kinh tế nhưng cũng bảo vệ môi trường và xã hội” - bà Lưu Thị Thanh Mẫu nói.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng du lịch Việt Nam sẽ phục hồi trong năm 2022 bằng 50% so với năm 2019. Tuy nhiên, với tình hình thực tế hiện nay, theo các doanh nghiệp, ngành kinh tế xanh chỉ có thể phục hồi ở mức từ 20 - 30% so với năm 2019. Ông Nguyễn Văn Biên, Chủ tịch HĐQT Công ty NBT Holding cho biết, vừa có quyết định thành lập công ty con là Bảo Tín Travel nhằm đón đầu cơ hội ngành du lịch phục hồi. Đầu tư thêm ngành du lịch vào thời điểm này nhằm đón bắt cơ hội hoạt động đưa khách quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam vừa du lịch, vừa khảo sát thị trường kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Biên kỳ vọng: “Thời điểm hiện tại, vấn đề quan trọng nhất mà doanh nghiệp quan tâm đó là việc kiểm soát dịch để dịch không bị bùng phát với cộng đồng nữa. Khi bùng phát dịch thì người dân chắc chắn sẽ không đi du lịch. Tiếp đến là mong muốn các lãnh đạo, ban ngành chúc năng có những chính sách đúng hướng, đúng đắn trong việc kiểm soát dịch bệnh; có những phương án hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển lại. Từ đó góp phần vào quá trình phát triển các ngành kinh tế trong thời gian tới”.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2022 có thể mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nếu có sự linh hoạt, có khả năng ứng phó tốt. Do đó, cần phải nắm bắt được thời cơ, dự báo, đoán định được những diễn biến cung – cầu của thị trường; đây sẽ là tiền đề giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong năm nay và những năm tiếp theo./.