Những “nữ tướng” doanh nhân vì cộng đồng
VOV.VN - Nhờ áp dụng nhiều giải pháp quản trị doanh nghiệp phù hợp với tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với việc đề cao trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ đang khẳng định vị trí, vai trò của mình bằng chính “sức mạnh mềm”.
Hai năm đương đầu với đại dịch COVID-19, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) với vai trò là “thuyền trưởng” đã chèo lái “con thuyền” vượt qua từng đợt sóng COVID-19. Bắt đầu từ khi đại dịch COVID-19 tràn vào nước ta, PNJ đã xây dựng những kịch bản chuẩn bị: gồm vận chuyển hàng hoá, luân chuyển, bán hàng trên mạng, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số… Do đó, trong nửa đầu năm 2021, công ty đạt được doanh thu tương đối tốt, kết quả này đã bù trừ lại cho những tháng còn lại của năm, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng PNJ không điều chỉnh kế hoạch.
Bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết, doanh nghiệp đặt ra 3 chiến lược phát triển đó là: thực chất, chủ động và tầm nhìn dài hạn. Hơn 30 năm phát triển trên thương trường, công ty đặt lợi ích xã hội, lợi ích khách hàng vào trong lợi ích doanh nghiệp. Theo đó, trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp luôn quan tâm đến chỉ số đo lường, giảm tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh. Người lao động PNJ luôn nhớ đến hình ảnh nữ chủ tịch hài hoà, nhân ái, luôn quan tâm đến trẻ em, phụ nữ, đối tượng yếu thế trong xã hội…
Nhớ lại thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh là tâm dịch, phát huy biệt danh được cán bộ công nhân viên ưu ái đặt cho là “nữ tướng”, bà Dung đã triển khai nhiều hoạt động hướng về cộng đồng. Suốt trong những tháng dịch dã bủa vây, sản xuất gián đoạn, công ty vẫn đảm bảo đời sống và không cắt lương cán bộ công nhân viên, chăm lo về y tế cho người lao động và người thân của họ. Những “siêu thị 0 đồng” và “siêu thị mini 0 đồng online” của PNJ ra đời trên cả nước, đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần cho các gia đình khó khăn do tác động vì dịch Covid 19.
“Đi làm siêu thị 0 đồng, đội ngũ nhân viên bị lây nhiễm nhưng chúng tôi cũng không ngần ngại để giúp đỡ bà con, những điều đó đem lại lợi ích cho chúng tôi. Chúng tôi cũng luôn luôn chia sẻ với các doanh nghiệp bạn bè không chỉ là có vốn bằng tiền mà vốn về văn hóa, xã hội sẽ là những nguồn vốn rất lớn, những nguồn vốn nếu như chúng ta quan tâm đặt nền móng cho nó là một sự phát triển bền vững, thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ ngày càng phát triển”, bà Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ.
Cũng với mục tiêu vì cộng đồng là quan trọng, 2 năm qua, dịch vụ hàng không ảnh hưởng nặng nề, song bà Nguyễn Minh Ngọc, Phó Tổng giám đốc, Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) luôn tâm niệm, định vị thương hiệu bằng sự chuyên nghiệp, đẳng cấp luôn giữ vững. Đơn vị này đã xây dựng nhiều kịch bản để chờ thời điểm hoạt động hàng không trở lai, nắm bắt thời cơ để khôi phục hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, công ty vẫn xác định mục tiêu theo đuổi là kinh doanh theo mô hình bền vững, vì cộng đồng.
“Trong điều kiện hầu như toàn bộ các hoạt động kinh doanh của công ty bị đóng cửa do dịch bệnh, song vẫn luôn ưu tiên, hỗ trợ thu nhập cho người lao động, rồi chăm chút đến mỗi gia đình của họ, từ đó, tăng mối gắn kết giữa công ty và người lao động. Trách nhiệm xã hội cũng là một mục tiêu toàn thể cán bộ công nhân viên đồng tâm thực hiện trước làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và đời sống của người dân TP.HCM trong năm vừa qua, công ty đã tích cực tham gia phục vụ hơn 1 triệu bữa ăn cho bệnh nhân và nhân viên y tế tại các bệnh viện. Đồng thời, công ty cũng hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tham gia các hoạt động hỗ trợ chống dịch”, bà Nguyễn Minh Ngọc nói.
Mục tiêu vì sức khoẻ cộng đồng cũng luôn được bà Lưu Thị Đào, Giám đốc Công ty cổ phần Ong miền núi tâm niệm. Đến nay, doanh nghiệp này đã có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và được thị trường trong nước đón nhận. Bà Lưu Thị Đào, Giám đốc Công ty cổ phần Ong miền núi cho biết, ngoài việc tích cực cải tiến công nghệ, để có sản phẩm sạch, chất lượng tốt hơn đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, công ty luôn chú trọng đến các hoạt động vì xã hội.
“Hàng tuần, chúng tôi cũng có buổi livestream giảm giá tặng quà cho khách hàng vào những ngày thứ bảy. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham gia vào chương trình siêu thị 0 đồng, hỗ trợ nhiều đơn hàng cho bà con trong thời điểm dịch năm 2020 và 2021. Thời điểm dịch Covid -19 bùng phát, chúng tôi đều đưa ra các chương trình giảm giá từ 5% đến 10% để đóng góp cho xã hội, cũng như muốn chia sẻ cho cộng đồng để sản phẩm của mình đến với nhiều người tiêu dùng hơn”, doanh nhân Lưu Thị Đào bày tỏ.
Lòng nhân ái, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội đang tạo nên sức mạnh mềm thực sự để những doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ tạo đột phá trong tương lai. Sức mạnh ấy cùng với bản lĩnh, trí tuệ của doanh nhân nữ được rèn luyện qua khó khăn sẽ tạo ra nguồn cảm hứng, mang lại năng lượng tích cực cho nữ giới trong giai đoạn hiện nay./.