Những thương vụ sáp nhập ngân hàng “khủng”
VOV.VN - Theo dự báo, “đỉnh sóng” sáp nhập ngân hàng sẽ dâng cao vào thời điểm giữa năm nay.
3 thương vụ M&A ngân hàng lớn trong năm nay đã được công bố là: PGBank về một nhà với VietinBank, MHB sáp nhập vào BIDV, Southern Bank vào Sacombank.
Sau nhiều ngày chờ đợt, phương án sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã được cổ đông ngân hàng này thông qua tại đại hội cổ đông chiều 20/4.
Ông Mạch Thiệu Đức, chủ tịch ngân hàng cho biết, tiến trình sáp nhập 2 nhà băng đã đi được 90% quãng đường. Theo đó, kế hoạch sáp nhập của hai ngân hàng này sẽ được hoàn thành trong nửa đầu năm.
Còn ông Trầm Bê, Cố vấn cao cấp của Southern Bank, đồng thời là Phó chủ tịch thường trực Sacombank cho hay, phương án sáp nhập giữa hai bên sẽ thực hiện trong quý II/2015.
Tỷ lệ hoán đổi khi sáp nhập
Về tỷ lệ sáp nhập, ông Bê cho biết, hai bên ngân hàng trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phương án tỷ lệ 0,75 cổ phiếu Sacombank đổi 1 cổ phiếu Southern Bank. Hiện tại, ngân hàng đang chờ Thống đốc phê duyệt phương án sáp nhập.
Với nguyên tắc “giữ nguyên trạng và hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1”, BIDV cho hay, việc sáp nhập dự kiến không gây xáo trộn về hoạt động kinh doanh cũng như biến động trước, trong và sau khi sáp nhập. Tuy nhiên, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu này lại khiến cổ đông của BIDV băn khoăn.
Trả lời câu hỏi tỷ lệ hoán đổi 1:1 (tức 1 cổ phiếu MHB đổi ngang 1 cổ phiếu BIDV) được ngân hàng tính toán thế nào, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV cho hay: MHB và BIDV đều do Ngân hàng Nhà nước sở hữu tỷ lệ lớn nên cổ đông lớn này không hề có ảnh hưởng. Với cổ đông nhỏ, trong ngắn hạn, sự lo ngại là đúng vì giá BIDV trên thị trường đang cao hơn đáng kể so với MHB.
Cũng theo Chủ tịch BIDV, sau khi được cổ đông thông qua, HĐQT sẽ thực hiện nhanh các thủ tục cần thiết, đúng quy định để hoàn tất sáp nhập vào cuối tháng 5.
Thông qua phương án sáp nhập PGBank tại phiên họp đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 14/4, lãnh đạo VietinBank tiết lộ, sáp nhập sẽ tạo cơ hội cho VietinBank đạt được mục tiêu trở thành ngân hàng hàng đầu thông qua việc kết hợp với PGBank và Petrolimex (cổ đông lớn của PGBank). Dự kiến, 1 cổ phiếu PGBank sẽ đổi được 0,9 cổ phiếu CTG.
Được biết, trong quý I VietinBank và PGBank đã hoàn thành hợp đồng sáp nhập và dự kiến được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận về mặt nguyên tắc vào tháng 6 tới.
Như vậy, đến thời điểm này, 3 thương vụ M&A ngân hàng lớn trong năm 2015 đã “lộ sáng” qua các phiên đại hội cổ đông. Với phương án mà các ngân hàng đưa ra, có thể thấy “đỉnh sóng” sáp nhập ngân hàng sẽ được thiết lập vào giữa năm nay.
Ở một diễn biến khác, tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập Ngân hang TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) vào Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank).
Còn bao nhiêu “cặp đôi” được sáp nhập?
Sẽ còn bao nhiêu cặp đôi ngân hàng được sáp nhập, hợp nhất? Và sau khi hợp nhất, những cái tên nào sẽ bị xoá sổ trên thị trường? Với 4 thương vụ trên, mới chỉ có VietinBank công bố tên ngân hàng sau sáp nhập.
Hiện thị trường vẫn còn đang đồn đoán về thương vụ sáp nhập tiếp theo là Nam A Bank và Eximbank. Giới đầu tư kỳ vọng thông tin sẽ được rõ hơn tại phiên họp của Eximbank, tuy nhiên, ngân hàng này bất ngờ thông báo hoãn đến “thời điểm khác thuận lợi hơn theo luật định”. Theo kế hoạch ban đầu đã gửi tới cổ đông, ngân hàng sẽ tổ chức đại hội cổ đông vào sáng mai 22/4.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong giai đoạn này, NHNN đang thực hiện đúng lộ trình của quá trình tái cơ cấu với quan điểm đảm bảo cho việc tái cơ cấu nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước và tránh đổ vỡ hệ thống.
Được biết, trong năm nay sẽ còn 5 đến 8 ngân hàng tham gia vào quá trình tái cơ cấu. Ngoài sự tự nguyện hợp nhất như giai đoạn trước, quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiện nay sẽ quyết liệt hơn.
“Giai đoạn II của quá trình tái cơ cấu ngân hàng sẽ có những tổ chức tín dụng mạnh hơn và thông qua đó để xử lý ngân hàng yếu như ngân hàng lớn phải nhận ngân hàng nhỏ; hoặc có những tổ chức tín dụng sẽ do NHNN trực tiếp xử lý. Việc tái cơ cấu hợp nhất ngân hàng, NHNN sẽ triển khai quyết liệt trong 6 tháng đầu năm 2015; 6 tháng còn lại sẽ triển khai tiếp”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh./.