Niên vụ vải thiều 2016 tăng gần 500 tỉ đồng nhờ chuỗi giá trị
VOV.VN - Tổng sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang niên vụ 2016 đạt 142.315 tấn, tổng doanh thu đạt khoảng 5.000 tỉ đồng.
“Mặc dù giảm diện tích và sản lượng nhưng niên vụ vải thiều 2016 của tỉnh Bắc Giang vẫn đạt giá trị hơn 5.000 tỉ đồng, cao hơn gần 500 tỉ đồng so với năm ngoái”. Đó là thông tin được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2016 tại tỉnh Bắc Giang.
Niên vụ 2016, tổng sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang đạt 142.315 tấn, doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ đạt khoảng 5.000 tỉ đồng. Với giá vải bình quân tiêu thụ nội địa đạt 21.000 đồng/kg và giá xuất khẩu trung bình 28.000 đồng/kg, người trồng vải thiều ở Bắc Giang có lãi, doanh thu lớn.
Niên vụ 2016, tổng sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang đạt 142.315 tấn. |
“Người trồng vải vẫn mong các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học đưa thêm những giống vải chín sớm, chất lượng cao về cho nông dân. Hiện nay vải thiều chín chỉ tiêu thụ trong vòng 1 tháng, trong khi đó, nông dân muốn trồng rải vụ sẽ cần có các giống chín sớm và chín muộn để kéo dài thời vụ, từ đó tăng thêm thu nhập”, ông Thành nêu kiến nghị.
Thành công của niên vụ vải thiều năm 2016 còn có sự chung tay của các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cố vấn Công ty CP tiến bộ quốc tế, Tập đoàn AIC - chuyên xuất khẩu và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cho biết, nhờ chất lượng đã được khẳng định theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt - VietGap, Global Gap đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp thâm nhập thêm các thị trường mới, thông qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và giúp nông dân tiêu thụ nông sản.
“Hội nhập kinh tế đòi hỏi phải sản xuất theo chuỗi giá trị. Chính điều này tạo ra sự phát triển bền vững đối với nông sản Việt Nam và ổn định thu nhập cho nông dân khi hướng ra thị trường quốc tế. Điều này còn có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu bởi chất lượng là yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh nông sản của doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường và ký kết các hợp đồng với các đối tác. Ngược lại cũng thúc đẩy hơn nữa việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều của Bắc Giang nói riêng”, ông Ngọc khẳng định.
Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), bên cạnh gắn kết hơn nữa việc liên kết trong tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng, Bắc Giang cần chú trọng cân đối trong khai thác thị trường trong nước và nước ngoài. Trong đó, không chỉ xúc tiến thương mại trong nước mà còn tổ chức các hội nghị quảng bá sản phẩm ngay tại những thị trường xuất khẩu mới mở, đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản, Australia…
“Thời gian qua Bắc Giang đã hết sức quan tâm đầu tư lớn cho các diện tích áp dụng quy trình sản xuất Viet Gap, Global Gap, vì vậy cần tăng cường xúc tiến khẳng định sản phẩm trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài thông qua áp dụng công nghệ có thể truy xuất nguồn gốc vải thiều để gia tăng thêm giá trị nông sản và tạo niềm tin cho người tiêu dùng để gia tăng lượng tiêu thụ trong nước và quốc tế”, ông Sơn chỉ rõ./.