Nợ công sẽ sớm vượt trần do... “vô kỷ luật“
Theo dự báo của Chính phủ, nợ công sẽ chạm trần vào năm 2015 và sau đó chính thức phá vỡ mức mục tiêu (65% GDP) trong giai đoạn 2016-2020.
Chuyên gia kinh tế vĩ mô TS. Phạm Thế Anh thuộc Khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng cộng sự là Ths. Phạm Thị Ngọc Quỳnh vừa công bố báo cáo nghiên cứu với tựa đề "Kỷ luật tài khóa và ổn định kinh tế vĩ mô" trong đó có đề cập tới các vấn đề liên quan tới kỷ luật về nợ công, cán cân ngân sách, thu và chi ngân sách.
Nguyên nhân khiến cho việc vi phạm các mức giới hạn về nợ công và thâm hụt ngân sách ở Việt Nam chủ yếu là do việc thiếu kiểm soát trong chi ngân sách và chi đầu tư công ngoài ngân sách. Chi ngân sách hàng năm liên tục vượt xa mức dự toán khiến thâm hụt ngân sách không thể hoàn thành mục tiêu đề ra. Ngoài ra, việc cho phép điều chỉnh theo hướng tăng lên của lượng trái phiếu Chính phủ được phát hành cũng gây những áp lực không nhỏ cho nợ công.
Nợ công trong giới hạn nhờ... điều chỉnh cách tính GDP
Nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Thế Anh cho biết, tỷ lệ nợ công/GDP thực tế của Việt Nam hiện vẫn còn ở dưới mức trần 65% quy định bởi Quốc hội. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội vào tháng 11/2014, ước tính nợ công vào cuối năm 2014 sẽ vào khoảng 60,3% GDP.
"Tính đúng sai của việc điều chỉnh này chúng ta không bàn đến ở đây. Tuy nhiên, điều rõ ràng là cơ sở để Quốc hội/Chính phủ đặt ra mục tiêu hay trần nợ công ở thời điểm đầu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011–2015 là dựa vào giá trị GDP theo phương pháp cũ. Do vậy, khi đánh giá kết quả thực thi kỷ luật tài khóa chúng ta phải dựa vào GDP theo phương pháp cũ", báo cáo nêu.
Theo đó, nếu sử dụng GDP của phương pháp cũ, tỷ lệ nợ công/GDP và nợ chính phủ/GDP của Việt Nam đã lần lượt đạt xấp xỉ 59,6% và 46,5% vào năm 2013, và ước tính sẽ vượt các ngưỡng cho phép 65% và 50% vào cuối năm 2014.
Ngay cả khi sử dụng GDP mới được điều chỉnh, ngoại trừ tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP, các tỷ lệ nợ công/GDP và nợ chính phủ/GDP vẫn cho thấy một xu hướng tăng khá nhanh trong những năm gần đây. Ước tính trung bình trong giai đoạn 2012–2014, tỷ lệ nợ công/GDP đã tăng khoảng 5 điểm %, còn tỷ lệ nợ chính phủ/GDP tăng 4 điểm % mỗi năm. Cụ thể, tỷ lệ nợ công/GDP đã tăng từ 50,8% trong năm 2012 lên 54,2% trong năm 2013, và 60,3% vào cuối năm 2014. Trong khi đó, tỷ lệ nợ chính phủ tăng từ 39,3% trong năm 2012 lên 42,3% trong năm 2013, và 46,9% vào cuối năm 2014.
Cũng theo ước tính của Chính phủ, tỷ lệ nợ công/GDP sẽ đạt 64,0% vào năm 2015. Với tốc độ tăng khoảng 20,7% mỗi năm như trong giai đoạn 2011–2014, các thước đo nợ công không sớm thì muộn sẽ phá vỡ các kỷ luật mà Quốc hội đặt ra.
Kỷ luật về nợ công chính thức bị vi phạm trong năm 2014
Nhóm nghiên cứu đánh giá, nếu so với GDP theo phương pháp cũ, kỷ luật về nợ công, cụ thể là nợ công/GDP và nợ Chính phủ/GDP của ViệtNam đã chính thực bị vi phạm trong năm 2014. Còn nếu so với GDP tính theo phương pháp mới, các kỷ luật này vẫn đang được tuân thủ. Tuy nhiên, với xu hướng nợ công tăng như hiện nay thì các kỷ luật này không sớm thì muộn sẽ bị vi phạm trong tương lai gần.
Thêm vào đó, kỷ luật về nghĩa vụ trả nợ Chính phủ/thu ngân sách nhà nước đã chính thức bị vi phạm trong năm 2014.
Cụ thể, quy mô nợ công tăng nhanh và năng lực trả nợ giảm nhanh trong những năm gần đây. Trong đó, tỷ lệ của nợ công/tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng mạnh từ 1,9 lần trong năm 2011 lên 2,2 lần trong năm 2012, 2,4 lần trong năm 2013, và ước tính trên 3,0 lần trong năm 2014.
Tương tự như vậy, tỷ lệ nợ chính phủ/thu ngân sách Nhà nước cũng có chung xu hướng khi liên tục tăng từ mức 1,5 lần trong năm 2011 lên tới trên 1,8 lần trong năm 2013, và ước khoảng 2,4 lần trong năm 2014. Trong khi thu ngân sách được dự báo là sẽ tăng chậm, khả năng cao là hai tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới.
Theo đánh giá, việc tăng nhanh của quy mô nợ công khiến nghĩa vụ chi trả nợ gốc và nợ lãi cũng ngày càng nặng hơn. Nghĩa vụ nợ Chính phủ (bao gồm chi trả nợ gốc và nợ lãi) đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2010–2014, từ 87,1 nghìn tỷ đồng trong năm 2010 lên 185,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2013, và dự kiến khoảng 208,9 nghìn tỷ đồng trong năm 2014.
Nếu so với tổng thu ngân sách nhà nước thì nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đã là 22,6% trong năm 2013 và ước khoảng 26,7% vào năm 2014, chính thức vượt ngưỡng 25% đặt ra trong Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011–2020 và tầm nhìn 2030.
Gánh nặng nợ công từ phát hành trái phiếu Chính phủ
Một nội dung đáng chú ý trong báo cáo của nhóm tác giả nghiên cứu là việc đề cập tới những rủi ro tiềm ẩn cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô của Việt Nam do vốn đầu tư công từ phát hành trái phiếu Chính phủ đang tăng khá nhanh.
Nếu như trong cả giai đoạn 2006–2010 tổng vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ chỉ là 169,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,7% tổng vốn đầu tư công và vượt 87% kế hoạch, thì chỉ trong 3 năm 2011–2013 con số này cũng đã lên tới 165,0 nghìn tỷ đồng, tương đương 14,3% tổng vốn đầu tư công và bằng 73% kế hoạch ban đầu của cả giai đoạn 2011–2015. Tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 11 năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã phải thông qua đề nghị của Chính phủ xin phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn 2014–2016, nâng tổng kế hoạch vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2011–2016 lên tới 395 nghìn tỷ đồng.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, việc dồn gánh nặng về vốn đầu tư lên nguồn trái phiếu Chính phủ trước hết sẽ tác động trực tiếp làm nợ công tăng nhanh. Bên cạnh đó, so với các khoản vay nước ngoài, việc lãi suất của trái phiếu Chính phủ ở mức cao cũng làm tăng áp lực về chi trả lãi nợ công. Dù lãi suất đã giảm mạnh từ mức 10–12% trong các năm 2011–2012 xuống mức 6–7% vào năm 2014, thì gánh nặng trả nợ lãi vẫn rất lớn.
Theo tính toán từ lượng trái phiếu Chính phủ đang lưu hành, trong năm 2014, tổng số nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ là 73,6 nghìn tỷ đồng trong khi nghĩa vụ trả nợ lãi trái phiếu Chính phủ là trên 42,0 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 25% chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, việc phát hành trái phiếu ồ ạt, khoảng 200 nghìn tỷ đồng trong năm 2014, đang làm lãi suất khó giảm và lấn át đầu tư của khu vực tư nhân. Cuối cùng, việc phát hành trái phiếu Chính phủ cũng dễ làm cung tiền tăng nhanh khi hầu hết lượng trái phiếu Chính phủ này được các ngân hàng thương mại nắm giữ sau đó bán lại cho Ngân hàng Nhà nước, từ đó gây ra những nguy cơ tiềm ẩn cho lạm phát Việt Nam trong dài hạn./.