Nợ khó đòi chủ yếu tập trung ở ngành xây dựng

(VOV) - Một số TĐ,TCT đang có nợ quá hạn là EVN, PVN, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam…

Năm 2011, số liệu báo cáo hợp nhất về tổng nợ phải thu của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TĐ,TCT) là 296.541 tỷ đồng (bằng 14,1% tổng tài sản), tăng 13,8% so với năm 2010, trong đó nợ phải thu khó đòi là 3.753 tỷ đồng, chiếm 1,26% so với tổng nợ phải thu.

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về Tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2011 cho biết, hầu hết các TĐ,TCT, nợ phải thu khó đòi và tỷ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng số nợ phải thu hoặc trên tổng tài sản ở mức cao tập trung chủ yếu ở những ngành xây dựng, thương mại dịch vụ.

Năm 2011, số liệu báo cáo hợp nhất về tổng tài sản của các TĐ,TCT là 2.093.907 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2010. Trong cơ cấu về tài sản, tỷ trọng tài sản cố định chiếm bình quân là 43,9%.

Nhìn chung bảo toàn được vốn

Năm 2011, các TĐ,TCT có tổng vốn chủ sở hữu là 727.277 tỷ đồng, tăng 61.738 tỷ đồng (tương đương với 9,3%) so với năm 2010. Nếu so với năm 2006, thời điểm khi mới hình thành một số tập đoàn kinh tế, thì vốn chủ sở hữu tăng 409.630 tỷ đồng (tương đương 226%).

Xét tổng thể, các TĐ,TCT bảo toàn được vốn chủ sở hữu, hệ số bảo toàn vốn bình quân là 1,14 lần.

Tuy nhiên, có TCT không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính như: Tổng công ty Dâu tằm tơ, vốn chủ sở hữu âm (-) 281 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng Đường thuỷ, vốn chủ sở hữu âm (-) 604 tỷ đồng. Các tổng công ty này khó khăn từ rất lâu nhưng đến nay chưa khắc phục được.

Nợ phải trả tăng cao

Năm 2011, tổng số nợ phải trả của TĐ,TCT là 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Xét từng TĐ,TCT, có 30 TĐ,TCT, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn ba lần. Trong đó: có tám TĐ,TCT trên 10 lần; có 10 TĐ,TCT trên từ 5 - 10 lần; có 12 TĐ,TCT từ 3 - 5 lần.

Báo cáo cũng cho thấy, các TĐ,TCT đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, dẫn đến chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp. Một số TĐ,TCT đang có nợ quá hạn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nợ quá hạn 10.149 tỷ đồng (Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện khoanh nợ khoản tiền mua điện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam); Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nợ quá hạn 1.731 tỷ đồng (nợ của Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất - nhận bàn giao từ Vinashin); Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, nợ quá hạn là 467 tỷ đồng; Tổng công ty XDCTGT6, nợ quá hạn là 128 tỷ đồng; Tổng công ty Rau quả nông sản, nợ quá hạn 30 tỷ đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên