Nỗ lực chống rửa tiền và tài trợ khủng bố

Việt Nam đã hình sự hóa hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố. Luật Phòng chống rửa tiền cũng đã được Quốc hội thông qua

Hội nghị mô hình của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền (APG) năm 2012 đã diễn ra tại Hà Nội từ 19 – 23/11/2012.

Hội nghị là diễn đàn để các quốc gia và các tổ chức quốc tế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố; nghiên cứu các phương thức, thủ đoạn rửa tiền và tài trợ khủng bố cũng như mối liên hệ giữa rửa tiền và các tội phạm khác trong nền kinh tế.

Tham dự Hội nghị có trên 250 đại biểu đến từ 39 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên của APG; các quốc gia và các tổ chức là quan sát viên của APG như: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); Văn phòng phòng, chống tội phạm và ma tuý của Liên hợp quốc (UNODC); Ngân hàng Thế giới (WB); Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)... và nước chủ nhà Việt Nam.

Với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị mô hình APG năm 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền khẳng định, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực và quyết tâm chính trị nhằm xây dựng, hoàn thiện và thúc đẩy cơ chế phòng, chống rửa tiền của Việt Nam. Tháng 6/2005, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền. Tiếp đó, các cơ quan quản lý nhà nước như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đã ban hành các Thông tư hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh trò chơi giải trí có thưởng, kinh doanh bất động sản thực hiện các quy định tại Nghị định này.

Việt Nam đã hình sự hóa hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua việc bổ sung tội rửa tiền (Điều 251) và tài trợ khủng bố (Điều 230b) vào Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2009. Gần đây nhất, Luật Phòng chống rửa tiền đã được Quốc hội khóa XIII thông qua vào tháng 6/2012 và sẽ có hiệu lực vào 1/1/2013.

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp lý về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, Chính phủ Việt Nam cũng đã quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định này như: Giao Thống đốc NHNN thành lập Cục phòng, chống rửa tiền (Đơn vị tình báo tài chính – FIU của Việt Nam); Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền do 01 Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và các thành viên gồm đại diện lãnh đạo của 14 Bộ, ngành chủ chốt...

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng luôn quan tâm, nỗ lực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các quốc gia, vùng lãnh thổ trong cuộc chiến chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên của APG vào tháng 5/2007 đến nay, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ và tích cực các nghĩa vụ của một quốc gia thành viên APG.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo các khuyến nghị và cam kết quốc tế, đồng thời rất mong tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ từ các tổ chức quốc tế và các quốc gia, vùng lãnh thổ trong lĩnh vực này.

Sau 5 ngày làm việc, các đại biểu đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố trên thế giới và ở các nước thành viên.

Hội nghị đã tập trung thảo luận các nội dung: Rủi ro tài trợ khủng bố từ các ngành nghề kinh doanh phi tài chính chỉ định (DNFBP) như: Kinh doanh vàng bạc, đá quý, đại lý bất động sản, luật sư, kế toán và casino; Rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố từ hệ thống hawala/hệ thống ngân hàng ngầm; Rửa tiền, tài sản có được từ tham nhũng và các biện pháp phòng chống; Nhận dạng và điều tra về rửa tiền thông qua hoạt động thương mại, rửa tài sản thu được từ tội phạm thuế và các hình thức khác của rửa tiền, tài trợ khủng bố; Rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố từ việc làm tiền giả; Khắc phục thiếu hụt về chính sách liên quan đến tài sản có được từ tội phạm và lần theo tài sản; Xây dựng sự phối hợp mang tính chiến lược trong khu vực tư nhân, giữa Chính phủ và khu vực tư nhân về các rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố và cách đối phó với những rủi ro này.

Ngoài ra, Hội nghị cũng trao đổi về chương trình công tác tiếp theo của APG liên quan đến mô hình rửa tiền và tài trợ khủng bố; việc phối hợp với Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF); các bài tập tình huống liên quan đến các phương thức, thủ đoạn rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Hội nghị mô hình APG 2012 tiếp tục mở ra những cơ hội hợp tác trong phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố theo các chuẩn mực quốc tế, góp phần bảo vệ và phát triển hệ thống tài chính toàn cầu.

Hội nghị cũng là dịp để Chính phủ Việt Nam khẳng định với bạn bè quốc tế về quyết tâm cao của Chính phủ trong công tác này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên