Nỗ lực để thu nhập của người Việt ở mức đáng có, trên 7.000 USD/năm
VOV.VN -Theo lộ trình, phải cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí cho các DN trong 3 chỉ số là cải thiện thương mại qua biên giới, thuế quan và tiếp cận điện
Tại cuộc hội thảo “Triển khai Nghị quyết 19: Cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam” tổ chức sáng nay (31/7), Olin McGill thuộc USAID GIG (dự án Quản trị nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ) cho rằng, Nghị quyết 19/2014/NQ-CP được ban hành chứng tỏ Việc Nam đang có những nỗ lực rất lớn để cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là gói cải cách có ảnh hưởng sâu rộng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Trước đó, từ thứ hạng 99/189 nước có nền kinh tế của Việt Nam về chỉ số môi trường kinh doanh theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, ông Olin McGill phân tích: Với thứ hạng này, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lẽ ra phải đạt khoảng 7.545 USD, cao hơn mức thực tế đã đạt được cùng thời điểm (1.400 USD).
Cũng theo ông, hiện mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải tiêu tốn tới 872 giờ một năm để khai thuế và nộp thuế là vượt quá sức tưởng tượng. "Với những kinh nghiệm tôi đã trải qua, nước kém nhất cũng chỉ mất khoảng 300 giờ, nhưng Việt Nam lên tới hơn 800 giờ là rất nghiêm trọng", ông McGill đánh giá.
Thêm vào đó là chi phí thương mại qua biên giới cũng gây tốn kém. Với lượng thời gian lên tới 21 ngày như hiện nay, Việt Nam đang thất thoát tổng cộng 15% trong tổng kim ngạch thương mại..
Từ thực tế này, ông Olin McGill đặt ra vấn đề, Việt Nam phải nỗ lực vươn lên cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng của CIEM cho biết: “CIEM đang tham vấn cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội nhằm tìm ra giải pháp chung cho những thách thức mà Việt Nam gặp phải liên quan đến môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh”.
Một trong những mục tiêu của Nghị quyết này là nâng các chỉ số cạnh tranh chính của Việt Nam ngang bằng mức trung bình của 6 nước ASEAN.
Theo lộ trình, các cơ quan sẽ cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí cho các doanh nghiệp trong 3 chỉ số theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đó là cải thiện thương mại qua biên giới, thuế quan và tiếp cận điện.
Tại cuộc hội thảo, các cơ quan Nhà nước liên quan bao gồm Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội và Tổng Công ty Điện lực EVN đều thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện kết quả của 3 chỉ số này từ nay đến năm 2015.
Vi tính hóa, số hóa quá trình nộp thuế sẽ là cách thức quan trọng để giảm thời gian nộp thuế xuống. Theo tính toán, số lần nộp các loại thuế, phí này có thể giảm từ 32 lần hiện nay xuống 6 lần, qua đó giúp giảm đáng kể thời gian nộp thuế cho các doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đang quyết tâm giảm được 200 giờ trong tổng thời gian nộp thuế ngay trong năm nay. Giảm thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp từ mức 21 ngày xuống bằng mức trung bình của các nước ASEAN-6: xuất khẩu là 14 ngày và nhập khẩu 13 ngày.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cam kết rút thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa 70 ngày.
Để đảm bảo những cải cách này thành công và bền vững, CIEM và dự án USAID/GIG sẽ hợp tác với các doanh nghiệp các hiệp hội nghề nghiệp nhằm vạch ra một kế hoạch hành động thiết thực.
Ông Olin McGill Cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ Việt Nam cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm quốc tế về cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh và gợi ý các giải pháp cụ thể cho Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là những kinh nghiệm đáng quý từ Malaysia và Georgia - 2 quốc gia hiện đã nằm trong top 10 thế giới về xếp hạng môi trường kinh doanh.
Với sự hỗ trợ của USAID và dự án “Quản trị Nhà nước nhằm tăng cường toàn diện”, CIEM sẽ thực hiện những chương trình hành động nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư khi bắt đầu sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, cũng như phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tạo điều nhiều công ăn việc làm và tăng trưởng cho nền kinh tế./.