Nợ xấu của DNNN chiếm 70% toàn hệ thống

(VOV) - Nợ xấu của DNNN ước khoảng 200 nghìn tỷ đồng; của các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty khoảng 153 nghìn tỷ đồng.

Trong tham luận của TS. Đinh Tuấn Minh tại Diễn đàn kinh tế mùa thu được tổ chức mới đây tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đã chỉ ra rằng: nợ xấu tại khu vực DNNN rất lớn. Những số liệu mới nhất cho thấy khu vực DNNN hiện đóng góp vào 70% nợ xấu của toàn hệ thống, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu.

200.000 tỷ đồng nợ xấu thuộc DNNN

Theo báo cáo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 9/2012 thì “DNNN sử dụng vốn tín dụng chiếm tới khoảng 70% tổng số nợ xấu, trong đó các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu”. Nếu ước tính nợ xấu của hệ thống là 10% tổng dư nợ tín dụng, như theo công bố của NHNN, thì nợ xấu của khu vực DNNN sẽ ước khoảng 200 nghìn tỷ đồng và nợ xấu của các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty sẽ vào khoảng 153 nghìn tỷ đồng.

Theo Đề án tái cấu trúc khu vực DNNN của Bộ Tài chính năm 2012 thì dư nợ của 80/96 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến cuối 2010 là 872.860 tỉ đồng, bằng 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Tính đến tháng 9/2011 dư nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp Nhà nước lớn đạt trên 415.000 tỷ đồng, tương đương gần 17% tổng dự nợ tín dụng tại các ngân hàng (nợ vay của 12 tập đoàn kinh tế Nhà nước lên tới gần 218.740 tỷ đồng) và dư nợ lớn nhất thuộc về những “tên tuổi” như Tập đoàn Dầu khí (PVN - 72.300 tỷ), Điện lực (EVN - 62.800 tỷ đồng), Than & khoáng sản (Vinacomin - 19.600 tỷ đồng).

EVN nằm ở top đầu về dư nợ tín dụng.

“Với những con số như trên thì nợ xấu của khu vực Tập đoàn, tổng công ty trong hệ thống ngân hàng sẽ chiếm tới 30-35% tổng dư nợ của khối này” – TS Đinh Tuấn Minh nhấn mạnh.

Tuy tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của DNNN có xu hướng giảm trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức 2,52 lần vào năm 2009, cao hơn nhiều so với mức 1,78 lần của khu vực tư nhân và 1,39 lần của khu vực vốn FDI. Các DNNN trung ương thậm chí có tỷ lệ này cao hơn, lên tới 3,53 lần.

TS Đinh Tuấn Minh dẫn số liệu của NHNN, nợ xấu (nhóm 3,4,5) chung của hệ thống ngân hàng dựa trên báo cáo của các TCTD 6 tháng đầu năm 2012 đã tăng mạnh lên mức 4,6% từ mức 3,72% của năm 2011. Tuy nhiên, nếu dựa trên đánh giá của NHNN thì nợ xấu ước khoảng 8,6%.

Nợ quá hạn (nhóm 2) của hầu hết các ngân hàng tăng mạnh vào cuối 2011. Dư nợ quá hạn theo báo cáo của các TCTD tại thời điểm 31.12.2011 chiếm 11,09 % tổng dư nợ cho vay và tăng 3,32% so với năm 2010. Chắc chắn một phần nợ quá hạn  tại thời điểm cuối năm 2011  sẽ chuyển thành nợ xấu trong năm 2012.

Điều đáng lo là nợ quá hạn của nhóm NHTM nhà nước ở mức tương đối cao 13,36% cuối 2011, tăng đáng kể từ mức 10,43% năm 2010. Theo Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, tính đến hết 2011, nợ quá hạn của nhóm này chiếm 61% tổng nợ quá hạn toàn thị trường (trong khi nhóm này chỉ chiếm 50,64% thị phần tín dụng).

Giải pháp phải mang tính hệ thống

TS Đinh Tuấn Minh thừa nhận: “Nợ xấu tại khu vực DNNN rất khó giải quyết. Khác với các DN tư nhân, vốn có thể dễ dàng bán tài sản hoặc nhượng cổ phần cho các doanh nghiệp khác để có tiền trả nợ ngân hàng nhằm tránh phá sản, các DNNN rất khó có thể bán tài sản hoặc cổ phần nhà nước theo giá thị trường trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Vì vậy, các khoản nợ mà các DNNN vay thường phải trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước dưới các hình thức xóa nợ, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn…”

Theo quan điểm của TS Đinh Tuấn Minh, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng của Việt Nam cần gắn liền với các quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm tái cơ cấu khu vực DNNN, tái cơ cấu đầu tư công, và tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Cần làm điều này là vì các đặc thù của nợ xấu của Việt Nam, đặc biệt là trên các khía cạnh nợ xấu của Việt Nam gắn với mô hình đầu tư theo chiều rộng và khu vực DNNN. Mục đích là để sao cho sau khi giải quyết xong nợ xấu trong giai đoạn hiện nay thì hiện tượng này sẽ không bị tái diễn trở lại.

Trong tình hình hiện nay, quan điểm của TS Minh là nên hình thành quĩ mua bán nợ xấu quốc gia. Do các đặc thù của nợ xấu Việt Nam là nợ xấu của khu vực DNNN lớn, tài sản thế chấp phần nhiều là BDDS, và sở hữu chồng chéo nên có thể kết hợp được giải pháp tự giải quyết với giải pháp thành lập công ty đặc biệt về mua bán nợ xấu.

TS Đinh Tuấn Minh cũng khuyến cáo,  Việt Nam không nên dùng giải pháp xóa nợ trong giai đoạn hiện nay vì tuy là các DNNN hoặc NHTM nhà nước nhưng các tổ chức kinh tế này đều đã vận hành theo luật doanh nghiệp, hoặc như là các công ty cổ phần hoặc như là các công ty TNHH. Việc tiến hành xóa nợ tại các DNNN sẽ dẫn đến những doanh nghiệp tư nhân có cổ phần trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua các công ty cổ phần của các DNNN) sẽ được hưởng lợi.

“Việt Nam trước hết nên xây dựng những nguyên tắc và luật lệ rõ ràng để tìm được sự đồng thuận của xã hội trong việc hình thành một định chế tập trung, tầm quốc gia để xử lý nợ xấu.” – ông Tuấn Minh nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên