Nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước: Ai muốn hứng?
Cái khó và “khó chịu” nhất trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là xử lý nợ xấu.
Mục tiêu trong Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là sẽ giải quyết dứt điểm nợ trước năm 2015. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trần Hậu, Phó Giám đốc Học viện tài chính, khó nhất trong việc xử lý tài chính của DNNN là xử lý các khoản nợ xấu. Trong đó, một công cụ quan trọng là các công ty mua bán nợ - “cỗ máy” giúp làm sạch các khoản nợ xấu của doanh nghiệp, hỗ trợ nguồn lực để doanh nghiệp phát triển và tiến tới gia tăng giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, điểm hạn chế là sự can thiệp của các công ty này cũng không thể giải quyết được tất cả các khoản nợ.
Một bằng chứng cho “điểm trừ” này được ông Hậu chỉ ra, tại Nhật, sự can thiệp của các tổ chức mua bán nợ cũng chỉ giải quyết được khoảng 10% các khoản nợ của doanh nghiệp. “Tuy nhiên, 10% này cũng giống như luồng giói kích thích các doanh nghiệp cất cánh”, ông Hậu nói.
Tại Việt Nam, mặc dù đã thành công trong nhiều thương vụ nhưng nhiều ý kiến vẫn hoài nghi về sứ mệnh của Công ty mua bán nợ và xử lý tài sản tồn đọng của DN (DATC – Bộ Tài chính) trong việc tái cơ cấu nợ cho DNNN. Chuyên gia tài chính cao cấp Đặng Văn Thanh cho rằng công ty DATC một lúc phải làm 2 nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là mua bán nợ với tư cách là hàng hóa. Nhiệm vụ thứ hai là làm theo chỉ định của Nhà nước trong việc sắp xếp xử lý nợ nhà nước phục vụ quá trình sắp xếp và đổi mới nhóm doanh nghiệp này. Theo ông Thanh, 2 vấn đề này hiện nay vẫn chưa rõ ràng. “Bản thân công ty còn rón rén khi thực hiện, trong khi đó, các DNNN có nhiều việc muốn làm nhưng chừng mực phân quyền chưa rõ nên không làm hoặc làm không hiệu quả”, ông Thanh nói.
Có thể cho phá sản một số DNNN
Trong quá trình tái cơ cấu DNNN, tuỳ vào hiện trạng của từng DN, nếu thua lỗ kéo dài, không thể lấy lại được vốn thì cắt và cho phá sản. Việc này sẽ do từng bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty xác định. Trên cơ sở xem xét lại từng ngành nghề, sẽ xây dựng chiến lược cho từng DN, rà soát tài chính để biết khả năng lấy lại vốn của DN. Với những DN trên bờ vực phá sản sẽ cho phá sản. Về tiêu chí cho phá sản, nguyên lý chung là mất khả năng thanh toán trầm trọng, DN không có khả năng trả nợ. (ông Hoàng Trần Hậu) |
Đồng tình với ý kiến này, ông Hậu cho rằng, liệu công ty này có còn đủ sức xử lý nợ cho 1.309 DNNN đang chờ chuyển đổi, bao gồm khoảng 100 tổng công ty và tập đoàn với nhiều khoản nợ rất lớn. Mặt khác, việc khơi thông các nguồn lực để hỗ trợ hoạt động của DATC cũng chưa được đề cập đến. Hoạt động này có thể thông qua các hình thức như phát hành trái phiếu, vốn hóa các khoản nợ mua của các công ty khác. Trong khi đó, DATC của Việt Nam vẫn vẫn sử dụng luồng vốn ban đầu do Nhà nước cung cấp để xử lý. “DN này cũng cần dùng đến đòn bẩy tài chính. Nếu chỉ sử dụng vốn chủ thì sẽ xử lý được bao nhiêu DN? Một châu chấu chỉ cơ cấu được đàn châu chấu, cơ cấu cả đàn voi là khó”, ông Hậu khẳng định.
Chưa có nhiều áp lực để xử lý nợ xấu
Khẳng định thị trường nợ xấu ở Việt Nam là rất tiềm năng nhưng hiện còn thiếu tích cực, ông Phạm Mạnh Thường - Phó tổng giám đốc DATC cho biết, tại Việt Nam, ngoài DATC hoạt động như một tổ chức xử lý nợ quốc gia, còn khoảng 20 công ty xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại hoạt động.
Các công ty xử lý nợ xấu của ngân hàng hiện có nhiệm vụ tiếp nhận quản lý, xử lý các khoản nợ của ngân hàng mẹ. Về pháp lý, những công ty mua bán nợ này có quyền tham gia mua bán của các ngân hàng khác. Nhưng thực tế, hoạt động này rất hạn chế hay nói một cách khác là “kị rơ”, các ngân hàng không muốn bán nợ của mình cho ngân hàng khác.
Một vướng mắc nữa được các chuyên gia tài chính đưa ra là chủ nợ ở những doanh nghiệp sáp nhập, giải thể, chia tách… có chấp nhận phương án mua bán nợ được đưa ra hay không. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chỉ có khoảng 30% vốn tự có, còn lại là đi vay. Đã đi vay thì khi bán nợ xấu đồng nghĩa với việc thoái cả công nợ. Trong khi đó, các khế ước cho vay của chủ nợ qui định cực kỳ chặt chẽ. Khi chuyển như vậy thì phải được chủ nợ đồng ý và không phải lúc nào người ta cũng đồng ý.
Ngoài ra, theo nguyên Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Trần Xuân Giá, còn một vướng mắc lớn trong quá trình cổ phần hóa, đổi mới, sắp xếp DNNN lâu nay vẫn mắc phải, đó là định giá tài sản.
“Chuyện định giá trong khi bán là một việc quá lớn. Sở dĩ cái khó khăn trong cổ phần hóa của chúng ta hiện nay khó nhất là vấn đề tài sản. Không còn con đường nào khác cả, cái định giá này, một là phải qua đấu thầu một cách công khai để cho thị trường quyết định. Còn nếu như không làm được thì phải định là định giá của các cơ quan có tiếng và độc lập” – ông Trần Xuân Giá nói.
Mặt khác, áp lực buộc các định chế tài chính phải xử lý nhanh các khoản nợ xấu còn hạn chế. “Do đó, có vụ đàm phán mất 6 tháng đến 1 năm mới xong”, ông Thường cho biết. Những người đứng đầu DATC khẳng định xử lý nợ xấu cho ngân hàng và tái cơ cấu DNNN có thể được làm tốt hơn nếu thay đổi được chính sách bên cạnh việc mở rộng cửa để hình thành thị trường mua bán nợ./.