Nợ xấu của Vinashin sẽ được tái cấp vốn để xử lý?
Ông Nguyễn Thiện Bảo, Tổng giám đốc Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí về kế hoạch xử lý nợ xấu
Theo ông Bảo, hiện PVFC đã thu về được khoảng 1.020 tỷ đồng trên dư nợ gốc 1.800 tỷ đồng từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin).
Như vậy, công ty vẫn còn khoảng 800 tỷ đồng tiền nợ ở Vinashin với số tài sản còn lại (tàu bè) theo như ông Bảo cho biết là còn nguyên.
Ông Bảo cho biết, hiện tại đã nhận được một số chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện một số giải pháp. Hướng gợi mở theo như ông Bảo cho hay là có thể NHNN sẽ xem xét đến chuyện tái cấp vốn cho phần nợ công ty chưa thu được để trên cơ sở đó kinh doanh và bù đắp dần trong một khoảng thời gian nhất định, có thể mất một vài năm.
Phương án thứ hai là xử lý tài sản, đây là việc cần phải làm, ông Bảo nói. Hiện tại, PVFC đã bàn với một số đơn vị khách hàng và công ty bắt buộc sẽ phải thanh lý một số tài sản.
Tùy vào từng loại tài sản thì hoạt động thành lý này sẽ thu về được 20-30% khoản nợ. Cộng với hỗ trợ tái cấp vốn, ông Bảo hy vọng “sẽ không bị lỗ quá nhiều và cơ bản sẽ xử lý được tàm tạm” các khoản nợ xấu.
Trường hợp với Vinashin, ông Bảo cho biết, khác với những tổ chức tín dụng khác, PVFC đã làm rất chặt chẽ từ ban đầu.
Trong quá trình hợp tác giữa Vinashin và Tập đoàn Dầu khí, từ đầu, Vinashin đã có làm một số hợp đồng cho Dầu khí và Dầu khí phải trả tiền cho Vinashin, do vậy, phía Dầu khí đã thu được một số tiền từ các hợp đồng đó.
“Hiện nay chắc chắn chúng tôi sẽ thu được 200 tỷ tiền mặt nữa cũng trên cơ sở hợp đồng này” – Tổng giám đốc PVFC cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ông thì tiến trình như hiện nay chưa được khẩn trương và nhanh như mong muốn. “Nếu nhanh và gãy gọn hơn thì tổn thất sẽ ít hơn”, bởi theo ông Bảo, để khoản nợ càng lâu thì chi phí cơ hội và chi phí vốn, áp lực dòng tiền sẽ nhiều hơn – đó là cái “mất” thực tế đang tiếp diễn./.