Tây Nguyên bừng lên trong cái nắng rực rỡ của những ngày đầu mùa khô. Trên những rẻo đường cao nguyên xanh mướt, những vạt cỏ hồng vươn cao trong gió như sức sống mãnh liệt của vùng đất đỏ bazan còn nhiều hoang sơ này nhưng đã bắt đầu chuyển mình để đón nhận những chuyển dịch mạnh mẽ của một nền nông nghiệp công nghệ cao đã nhen nhóm hình thành bấy lâu nay và đang dần được nhân rộng.
Trong cái vẻ hoang sơ, mộc mạc gần như vẫn còn giữ “nguyên bản” sau hơn 14 năm tách ra từ tỉnh Đăk Lăk, mảnh đất Đăk Nông giờ đây đang trở thành điểm đến của rất nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ôm ấp hoài bão lớn về việc hiện thực hóa một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên chính mảnh đất còn bỏ ngỏ nhiều tiềm năng này…
Điểm đến của những “khát vọng nông nghiệp sạch”
Được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” của Việt Nam, Đăk Nông - một tỉnh biên giới ở phía Tây Nam của Tây Nguyên, nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, có nhiều điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp. Theo chân những cán bộ tín dụng của Agribank Đăk Nông, chúng tôi vượt qua cả trăm km đường bộ xen lẫn núi cao hiểm trở với các cao nguyên rộng lớn, dốc thoải và đồng bằng thấp trũng để đến tận nơi mục sở thị những mô hình nông nghiệp hữu cơ đang “kết trái đơm bông” trên chính mảnh đất Tây Nguyên này.
|
Mô hình chanh dây hữu cơ đang mang lại nguồn thu nhập lớn cho anh nông dân 8X Lương Văn Hiệp |
Chúng tôi như bị choáng ngợp trước màu xanh ngút ngàn xen lẫn sắc đỏ vàng của những rẫy cà phê đang vào độ chín, những giàn chanh dây mơn mởn tươi tốt đang ra trái trĩu cành trên diện tích trang trại rộng 28 ha của anh Lương Văn Hiệp ở xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông. Với định hướng phát triển đa dạng cây trồng, trong đó tập trung vào 8 đối tượng cây trồng chính mà đứng đầu là chanh dây tiếp đến là cà phê, tiêu, sầu riêng, bơ, quýt, cao su, cây goòng.
Đến nay, sau 3 năm lập nghiệp tại mảnh đất Đăk Nông, các loại cây trái đang bắt đầu cho thu hoạch tốt. Xuất thân ở mảnh đất Lâm Đồng, cái nôi và cũng là “hình mẫu” trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước nhưng anh Hiệp với sự nhạy bén của mình đã mạnh dạn lựa chọn mảnh đất Đăk Nông còn nhiều tiềm năng để thực hiện giấc mơ “nông nghiệp công nghệ cao” của mình.
Nghe câu chuyện lập nghiệp của anh mới càng khâm phục khát vọng mãnh liệt được làm nông nghiệp quy mô lớn cho thỏa đam mê của chàng trai thế hệ 8X trên mảnh đất cao nguyên. Tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, vợ chồng anh Hiệp quyết chí lập nghiệp từ nông nghiệp - lĩnh vực được đào tạo bài bản và nhờ sự hậu thuẫn từ phía gia đình đều có truyền thống học trong ngành nông nghiệp.
“Việc đến với nông nghiệp là do cả gia đình từ trai gái dâu rể đều học Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM. Khi tiếp cận với Đăk Nông, chúng tôi thấy ở đây có một tiềm năng rất lớn về khí hậu, đất đai, vị trí; quan trọng là đất ở đây còn rất rẻ so với Lâm Đồng. Đây là vùng đất có thể đáp ứng đầy đủ những điều kiện mà chúng tôi cần để sản xuất quy mô lớn. Sau đó, chúng tôi quyết định đầu tư tại đây. Trong quá trình đầu tư, nguồn vốn bị thiếu hụt nên chúng tôi đã chủ động tiếp cận với các ngân hàng. Thời điểm đầu tiên, nguồn vốn của Agribank đã giúp chúng tôi giải quyết được khá nhiều khó khăn”, anh Hiệp tâm sự.
|
Anh Lương Văn Hiệp và những cán bộ Agribạnk Đăk Nông bên rẫy cà phê đang vào độ chín, hứa hẹn về những vụ mùa bội thu. |
Với số vốn vay ban đầu từ Agribank Đăk Nông là 1,5 tỷ đồng (năm 2015), đến nay số vốn đã nâng lên 4 tỷ đồng, anh Hiệp đang từng bước biến ước mơ của mình trở thành hiện thực bằng trang trại rộng 28 ha xanh mướt cây trái chỉ sau 3 năm bắt tay vào gây dựng. Đây thực sự là ước mơ của không ít người. Lựa chọn hướng đầu tư sản xuất sản phẩm hữu cơ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong trồng trọt, liên kết các doanh nghiệp để khép kín chuỗi giá trị, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của anh Lương Văn Hiệp chưa phải là nhiều ở mảnh đất Đăk Nông nhưng với tiềm năng rất lớn mà mô hình này thực sự mang lại đang dần biến sự ấp ủ của những nông dân nuôi khát vọng làm giàu từ nông nghiệp hữu cơ sớm trở thành hiện thực.
|
Việc trồng xen canh nhiều loại cây trái như măng cụt, sầu riêng, bơ, mít trong trang trại rộng 40 ha của bác Phạm Tấn Thắng đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể. |
Lập nghiệp tại huyện Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng, nơi khởi thủy và cũng địa phương đứng đầu trong cả nước về sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nhưng sau mấy chục năm gắn bó với nông nghiệp trên mảnh đất này, bác Phạm Tấn Thắng quyết định chọn Đăk Nông mà theo bác là “nơi đất lành chim đậu” là nơi “an cư” mới cho cả gia đình và tiếp tục phát triển nghiệp “nhà nông” của mình. Được tận mắt “mục sở thị” trang trại của bác Phạm Tấn Thắng ở thôn 3, xã Quảng Sơn, ai cũng bất ngờ và thán phục trước trang trại rộng 40 ha với đủ mọi loại cây trái, cà-phê, măng cụt, sầu riêng, bơ... giữa rừng núi. Nhiều cây đang bói quả sau thời kỳ tái canh. Sau 5 năm gây dựng trên mảnh đất mới, đến nay trang trại của bác Thắng đã bắt đầu cho thu hoạch khả quan từ bơ, sầu riêng và măng cụt; nguồn hàng không đủ cung cấp cho thị trường. Bác Thắng chia sẻ: “Đất lành thì chim đậu thôi, tôi thấy đất ở đây “cắm rìu” được nên tôi chuyển đổi qua đây từ 30/03/2013. Lúc mới lên đây cây cối cằn cỗi, sơ sài lắm, chủ yếu là cà phê và cao su, năm thứ nhất mới tạm thu nhưng không đáng kể. Năm thứ 2, gia đình tôi bắt đầu thực hiện chuyển đổi cây trồng chủ yếu sang cà phê và tiêu; đến nay tôi đã thực hiện chuyển đổi sang 5ha cà phê và trồng xen canh mít, sầu riêng, bơ… Cây tiêu cũng đã cho thu hoạch tốt, năm nay thu hoạch khoảng 2000 trụ tiêu, sang năm là 6000 trụ, sang năm nữa khoảng 8000 trụ…”. Đó là những thành quả bước đầu sau 5 năm gia đình bác Thắng định cư trên vùng đất mới; nhìn những vườn cà phê tái canh đang lên xanh tốt đúng quy trình, chúng tôi đều có chung dự cảm tốt lành về những vụ mùa bội thu sẽ đến với vợ chồng bác Thắng khi đến kỳ thu hoạch vào năm sau.
“Chúng tôi đang có sự hỗ trợ rất tốt từ Agribank”
Đó là chia sẻ rất thật của anh Lương Văn Hiệp về “bà đỡ” Agribank. Cũng giống như anh Hiệp, bác Phạm Tấn Thắng đã gắn bó với Agribank từ lúc bắt đầu “lập thân, lập nghiệp” trên mảnh đất Đơn Dương - Lâm Đồng. Khi chuyển sang Đăk Nông, bác Thắng vẫn thủy chung lựa chọn Agribank là người bạn đồng hành trong những dự án nông nghiệp chất lượng cao của mình. Rất thành thật, bác chia sẻ: Tôi đến với Agribank Đăk Nông từ sự giới thiệu của Ngân hàng bên Lâm Đồng đã có quan hệ từ nhiều năm nay (Agribank Đơn Dương - PV) nên rất tin tưởng. Với bác Thắng, Agribank giống như người bạn tri kỷ trong suốt 40 năm nay chứng kiến đủ mọi thăng trầm, buồn vui trong toàn bộ chặng đường lập nghiệp gắn bó với nông nghiệp của bác. “Tôi chỉ vay của Agribank, sống chết với Agribank từ khi lập gia đình đến giờ”, bác Thắng tâm sự, “Chúng tôi làm ăn khấm khá hoàn toàn nhờ Agribank. Các cán bộ Agribank Đăk Nông nhiệt tình xuống tận nơi, thẩm định cách làm ăn của tôi, thấy hiệu quả nên đầu tư, hỗ trợ rất nhiều”. Nguồn vốn vay Agribank của bác Phạm Tấn Thắng tăng dần qua các năm, lúc đầu là 2 tỷ đến nay là 7 tỷ. Việc tiếp cận nguồn vốn Agribank bằng hình thức vay tín chấp đã tạo điều kiện thuận lợi để bác Thắng tạo dựng cơ ngơi phát triển như hiện nay và đang tiếp tục hiện thực hóa khát vọng về một mô hình nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao trên mảnh đất nông nghiệp còn hoang sơ nhưng nhiều tiềm năng này.
Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã khẳng định việc cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là mục tiêu định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay. Trải qua 30 năm đồng hành và phát triển cùng “Tam nông” với việc khẳng định vai trò chủ đạo trong đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank với mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc, xuống đến các huyện, xã, tạo điều kiện cho khách hàng ở mọi vùng, miền đất nước dễ dàng và an toàn được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
|
Agribank đang tiếp sức cho nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được nhân rộng và phát triển trên mảnh đất Tây Nguyên. |
Với mong muốn góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản Việt Nam trên thị trường nông sản toàn cầu, xây dựng và quản lý chuỗi giá trị trong sản xuất, vì nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, Agribank đã chủ động triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 50 nghìn tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch”, góp phần hỗ trợ cho nhiều đối tượng, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch được tiếp cận và vay vốn từ Agribank. Các mô hình sản xuất này bước đầu đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, có đóng góp tích cực đối với quá trình triển khai tái cơ cấu nền nông nghiệp.
Là tỉnh có điểm xuất phát thấp, chỉ số thu hút các nhà đầu tư chỉ chiếm 63%, tuy vậy, Đăk Nông đang có nhiều lợi thế để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khi các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng dồi dào từ mảnh đất này và bắt đầu có những chuyển dịch sản xuất nông nghiệp tới đây. Chia sẻ về điều này, ông Phan Công Quế - Giám đốc Agribank Đăk Nông cho biết, hoạt động chủ yếu của Chi nhánh là cho vay nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, tổng dư nợ của Chi nhánh là 8.649 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp nông thôn là 7.344 tỷ chiếm tỷ trọng 86%. Cho vay nông nghiệp công nghệ cao tại Agribank Đăk Nông mới đạt 28 tỷ đồng với 4 khách hàng, tuy vậy, những mô hình này đều “sử dụng vốn đúng mục đích, đúng dự án đầu tư vay vốn” và “Agribank sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho vay”. Đây chính là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã tiên phong hình thành và đang phát huy hiệu quả trên mảnh đất Tây Nguyên này.
Những sự khởi đầu tốt đẹp đó là dấu gạch nối đầy triển vọng cho những mô hình hiệu quả tiếp theo sẽ sớm nhân lên nhiều hơn nữa tại chính nơi đây trong thời gian tới nhờ nguồn vốn của Agribank, đúng như ý nguyện của anh nông dân thế hệ 8X Lương Văn Hiệp: “Đây là những mô hình thử nghiệm và khi chúng tôi thực hiện quy mô lớn thì chắc chắn là cần sự hỗ trợ tốt hơn, đồng hành sâu hơn của Agribank”./.