Đồng bằng Sông Cửu Long

Nông dân lao đao vì tôm chết

Theo thống kê sơ bộ, ĐBSCL có hơn 40.000 ha diện tích tôm nuôi bị chết, thiệt hại hơn 1.500 tỉ đồng

Những ngày này, những cánh đồng tôm hơn nghìn ha xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vắng lặng tiếng máy bơm quạt nước. Ông  Nguyễn Thành Lương, người có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi tôm cho biết: Trước khi thả giống ông xử lý ao, chọn con giống, thời điểm lấy nước đúng theo quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nhưng tôm nuôi được hai tháng tuổi vẫn chết hàng loạt, thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn  Châu,  xã Khánh Hòa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau nuôi khoảng 1 ha tôm cho biết: Năm nào cũng có tôm chết. Tỷ lệ tôm chết trung bình khoảng 7%, nhưng năm nay tôm hết gấp nhiều lần so năm trước.

Theo ông Châu tôm giống năm nay chất lượng kém, những hộ nuôi ở vùng sâu thường mua tôm giống, không qua xét nghiệm cũng là nguyên nhân dẫn đến tôm chết.

Theo thống kê, Sóc Trăng là địa phương có diện tích tôm chết nhiều nhất với gần 20.000 ha, chiếm 76% diện tích thả nuôi toàn tỉnh, tỉ lệ tôm chết  cao gấp 30 lần so với cùng kỳ năm trước.

Còn tại Bạc Liêu, theo số liệu của Sở Nông nghiệp và phát triên nông thôn tỉnh, địa phương có 11.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong đó có gần 6.000 ha tôm nuôi công nghiệp.

Riêng tỉnh Bến Tre, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khoảng 1.560 ha, sản lượng 14.000 tấn, giá trị thiệt hại trên 400 tỷ đồng. Địa bàn có tôm chết nhiều nhất là Bình Đại, hơn 400 ha, huyện Thạnh Phú, diện tích tôm lúa bị thiệt hại khoảng 3.840 ha, tỷ lệ thiệt hại 60%.

Về nguyên nhân tôm chết ông Phan Hữu Hội, chi Cục phó chi cục Thuỷ sản Tiền Giang cho biết: “Mùa vụ năm nay bà con nuôi tôm gặp nhiều bất lợi. Thứ nhất do tác động ảnh hưởng với môi trường, khí hậu quá nóng, cuối vụ lại mưa. Thứ hai là nắng nóng kéo dài, nhiệt độ lên cao 35-37 độ C, nồng độ muối nên khó khăn trong việc lấy nước. Ngoài ra, do giá tôm cao bà con nôn nóng thả sớm...".

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:  Kết quả xét nghiệm mẫu tôm bệnh, tôm chết thu được tại các vùng nuôi của Sóc Trăng, Bạc Liêu cho thấy, nguyên nhân tôm chết hàng loạt là do nhóm trung gian giữa vi khuẩn và virus (nhóm Gamma-Proteobacteria). Nhóm này gây hoại tử gan tụy với ký chủ trung gian là Protozoa và bệnh này chưa có loại thuốc đặc trị. Trước diễn biến phức tạp của việc tôm chết hàng loạt và chưa xác định được nguyên nhân cụ thể của bệnh dịch, các nhà khoa học khuyến cáo người nuôi tôm nên chuẩn bị ao thật kỹ, dùng formol và vôi để xử lý ao, xét nghiệm giống cẩn thận và nên thả lại với mật độ thưa hơn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Quốc Phú, Phó Trưởng Khoa Thuỷ sản, Trường Đại học Cần Thơ, để những ao không bị lây lan dịch bệnh, bà con nên cách ly những ao này ra khỏi vùng đang bị ô nhiễm.

Tuy nhiên trên đây chỉ là  giải pháp trước mắt, còn biện pháp lâu dài các các ngành chức năng cùng với các nhà khoa học cần phải tìm được nguyên nhân và giải pháp hữu hiệu để áp dụng cho những mùa vụ tiếp theo.

Cần quy hoạch đồng bộ hạ tầng vùng nuôi tôm

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân tôm chết trong khu vực hiện nay vẫn là do 3 yếu tố chính đó là môi trường, thời tiết và con giống. Trong những nguyên nhân dẫn đến tôm chết hàng loạt do các địa phương trong khu vực ĐBSCL chưa có hệ thống xử lý nước thải riêng mà chỉ dùng chung với hệ thống cấp cấp nước. Việc xả nước ô nhiễm từ các ao, hồ có tôm nuôi bị chết  ra ngoài kênh công cộng, để các hộ khác  lấy nước đưa ao nuôi vào làm mầm bệnh phát tán ra diễn rộng. Đây là cái vòng lẩn quẩn mà các địa phương hiện nay vẫn chưa khắc phục được.

Để giải quyết được nạn tôm chết, về lâu dài, cần quy hoạch đồng bộ  hạ tầng cho vùng nuôi tôm, đồng thời vận động người nuôi ứng dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất; vận động nông dân áp dụng các biện pháp an toàn sinh học theo tiêu chuẩn Việt Gap nhằm kiểm soát các quy trình sản xuất từ cải tạo ao đầm, con giống, đến chăm sóc và thu hoạch theo tiêu chuẩn nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Để ngăn chặn kịp thời tình trạng tôm đồng  loạt chết, UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung phòng chống dịch lây lan. Tỉnh dự kiến trích ngân sách khoảng 20 tỉ đồng giúp các hộ nuôi tôm cận nghèo và hộ nghèo có điều kiện tiếp tục sản xuất.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản gián đoạn vụ nuôi, ban hành lịch thời vụ nuôi năm 2011, kể từ ngày 16/2/2011; tăng cường quản lý chất lượng con giống; hỗ trợ kinh phí tái kiểm 100% lượng tôm nhập tỉnh; hỗ trợ hóa chất kịp thời xử lý mầm bệnh đối với các ao bị nhiễm bệnh. Sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre thành lập đội phòng chống dịch thường trực tại Bình Đại để hỗ trợ địa phương xử lý dịch bệnh. UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản xác định bệnh nguy hiểm đối với tôm nuôi tại Bình Đại và có văn bản chỉ đạo tạm ngưng nhập giống, thả nuôi; thành lập các chốt kiểm dịch.

Tình hình tôm chết nhiều ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không chỉ gây thiệt hại cho người nuôi mà còn ảnh hưởng nguyên liệu chế biến của các nhà máy chế biến, do vậy một số doanh nghiệp không dám ký hợp đồng với các nhà nhập khẩu. Dự đoán trong mùa vụ này và giá tôm cũng sẽ tăng đột biến trong thời gian tới. Rõ ràng việc phòng chống dịch trên tôm nuôi  ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và bản thân người nuôi ở mỗi địa phương; có như vậy mới mong muốn đẩy lùi được dịch bệnh; đảm bảo cho việc khoanh nuôi được ổn định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên