Nông dân miền núi liên kết chuỗi trong chăn nuôi
VOV.VN - Việc hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang được các địa phương triển khai tích cực.
Với mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và tạo sức cạnh tranh trên thị trường, nhiều địa phương ở tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai tuyên truyền, thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất, được người chăn nuôi, trồng trọt hưởng ứng mạnh mẽ.
Gia đình bà Vũ Thị Thu (ở thôn Minh Phú, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên) là hộ chăn nuôi gà thương phẩm lớn ở trong thôn với quy mô trên 2.000 con mỗi lứa. Tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ với hàng chục hộ khác đã giúp cho bà Thu yên tâm hơn khi chăn nuôi.
"Liên kết theo chuỗi có người tiêu thụ sản phẩm nên chúng tôi thấy tin tưởng, không lo bị tiêu thụ chậm nữa, yên tâm hơn để chăn nuôi" - bà Vũ Thị Thu cho biết.
Cũng như gia đình bà Thu, nhiều người chăn nuôi ở xã Vân Hội hiện cũng rất yên tâm vì đã có Công ty TNHH một thành viên Tuyên Là bao tiêu toàn bộ số gà thương phẩm. Nhiều hộ vốn chỉ nuôi gà với quy mô vài trăm con, nay đã mở rộng lên vài nghìn con để phát triển kinh tế gia đình.
Chị Trần Thị Linh, ở thôn Khen Mon, xã Vân Hội cho biết, dù có thời điểm giá gà xuống thấp song người chăn nuôi vẫn ổn định sản xuất vì đầu vào, đầu ra ổn định.
Theo ông Lê Hồng Tuyên (Công ty TNHH một thành viên Tuyên Là), xã Vân Hội, huyện Trấn Yên, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về câu chuyện được mùa, mất giá, người dân làm ra sản phẩm thường xuyên bị ép giá, Công ty đã chủ động đứng ra tập hợp các hộ chăn nuôi gà trong xã hình thành mối liên kết trong chăn nuôi.
Theo đó Công ty sẽ cung cấp con giống, thức ăn, thuốc, vaccine, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và cuối cùng là bao tiêu sản phẩm. Hiện quy mô liên kết có trên 50.000 con gà của hơn 10 hộ dân.
"Liên kết đó liên quan đến đầu ra. Đầu ra mà không làm được thì người dân cũng không tin" - ông Lê Hồng Tuyên chia sẻ.
Toàn tỉnh Yên Bái có hơn 500 hợp tác xã và hơn 4.400 tổ hợp tác. Các tổ chức này đã tạo mối liên kết, hỗ trợ nhau để các thành viên cùng phát triển. Trong đó đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết là một nhiệm vụ trọng tâm.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hương Lý, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình là một ví dụ. Dù mới có 7 hộ tham gia liên kết chuỗi chăn nuôi lợn thịt, với quy mô 500 con nhưng Hợp tác xã đã ký thỏa thuận với một doanh nghiệp ở tỉnh Phú Thọ, từ cung cấp con giống an toàn, đến bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Điều này đã giúp cho các hộ tham gia yên tâm hơn, đặc biệt trong giai đoạn giá lợn hơi bấp bênh.
Bà Lê Thị Liên, Giám đốc Hợp tác xã Hương Lý cho biết, liên kết được với đơn vị tiêu thụ sản phẩm cũng là tạo điều kiện thuận lợi cho bà con chăn nuôi.
Việc hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang được các địa phương triển khai tích cực, với 23 mô hình. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các dự án chuỗi chăn nuôi gà thương phẩm, chăn nuôi lợn quy mô vừa và lớn; sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm chè, sản phẩm măng tre Bát độ... Từ đây việc sản xuất nông nghiệp của nông dân miền núi, vùng cao có những liên kết chặt chẽ hơn; năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên; giá trị và tính cạnh tranh trên thương trường được đảm bảo./.