Nông dân Quảng Nam chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu
VOV.VN - Do ảnh hưởng của Elnino, nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn. Năm nay, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 1.000 hecta lúa không chủ động nguồn nước sang trồng các loại cây màu phù hợp với điều kiện thực tế.
Nắng hạn kéo dài, gia đình ông Lưu Văn Dũng ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam chủ động chuyển 5 sào đất trồng lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới qua trồng các loại cây đậu xanh, mè và bí đao. Từ khi chuyển qua trồng cây màu, gia đình ông Dũng thu về khoảng 40 triệu đồng/vụ, nhiều hơn trồng lúa.
“HTX và UBND xã, huyện giúp người dân chuyển đổi cây trồng cạn, gieo trồng những cây hạn chế bớt nước, hoặc không tưới nước. Ví dụ, cây mè, cây đậu xanh không cần tưới nước. Một số diện tích lúa bà con bố trí chuyển đổi cây trồng chống chịu hạn tốt để sản xuất”, ông Lưu Văn Dũng cho biết.
Biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, nhiều vùng ruộng không đủ nước cho sản xuất cây lúa. UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây như: sen, ngô, đậu xanh, dưa hấu, bắp, các loại bí… phù hợp với điều kiện đất đai của từng vùng và có thị trường ổn định. Các địa phương hỗ trợ bà con kéo điện ra đồng đóng giếng, cấp giống, phân bón giúp người dân yên tâm sản xuất.
“Đầu vụ hè thu năm 2023, UBND đã họp bàn phương án phòng chống hạn mặn. Bên cạnh đó, để đảm bảo điều kiện sản xuất đối với những diện tích hạn hán nhưng không đủ nước tưới thực hiện chuyển đổi giống cây trồng sang cây trồng cạn. Tại cánh đồng lớn Trà Lý, xã Duy Sơn, khu vực đồi núi nên sản xuất cây lúa không cho năng suất cao. Hiện nay, người dân đã chuyển qua trồng sen hiệu quả kinh tế cao hơn, gấp nhiều lần so với cây lúa”, ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết.
Năm nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 1.000 hecta đất lúa không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây màu phù hợp, hiệu quả kinh tế cao hơn. UBND tỉnh Quảng Nam cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện giúp nông dân chủ động chuyên đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất.
UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương cần sử dụng nước tiết kiệm tối đa; đồng thời xây dựng phương án chuyển đổi đất lúa khu vực có khả năng nhiễm mặn, khu vực cuối kênh qua cây trồng cạn.
“Đơn vị hiện nay đang phụ trách 25.000 hecta trên toàn tỉnh. Dự báo hiện tượng El Nino có thể xuất hiện, tình hình nắng nóng có thể xảy ra khốc liệt khoảng từ tháng 7 đến tháng 8. Với tình hình đó, hàng năm, chúng tôi lập phương án phòng chống hạn và thiên tai, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi kiến nghị đối với những diện tích lúa nằm khu vực cao, xa khó tưới, những công trình ít nước, đề nghị UBND tỉnh cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng chuyển qua cây trồng cạn hoặc cac loại cây sử dụng nước ít hơn”, ông Đào Văn Thiên, Phó Giám đốc Công ty khai thác công trình Thuỷ lợi tỉnh Quảng Nam nói./.