Nông dân Sơn La nâng cao chất lượng nông sản từ vùng trồng
VOV.VN - Những năm gần đây, nông sản Sơn La đã chiếm được sự tin dùng của khách hàng, không chỉ đáp ứng tiêu dùng trong nước mà nhiều mặt hàng còn chinh phục được các thị trường khó tính trên thế giới. Kết quả này là nhờ ngành nông nghiệp và nông dân tại đây không ngừng thay đổi tư duy canh tác, tiến đến sản xuất nông nghiệp an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Những ngày này, gia đình anh Nguyễn Minh Hiếu ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tất bật sới đất, phủ bạt gốc, trồng những mầm dâu tây.
Anh Hiếu chia sẻ, năm 2020, gia đình đã đầu tư 2 tỷ đồng để trồng dâu tây kết hợp du lịch trải nghiệm. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây đã giúp dâu tây phát triển tốt, quả chín căng mọng, có vị ngọt thanh, mẫu mã bắt mắt, được thị trường ưa chuộng. Với mức giá giao động từ 150.000 - 300.000 đồng/kg, trung bình mỗi vụ, vườn dâu tây cho gia đình thu nhập gần 4 tỷ đồng.
Mùa vụ năm nay, gia đình không mở rộng diện tích vườn dâu tây, mà tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách cải tạo, nâng cao chất lượng đất trồng, nước tưới; thực hiện và bảo đảm nghiêm ngặt quy tắc về sản xuất nông nghiệp an toàn.
“Vườn dâu tây có điểm khác biệt với các vườn khác, là mình không trồng theo kiểu truyền thống, mà tiến tới trồng theo chuẩn Organic, có nghĩa là chuẩn hữu cơ của thế giới; chủ yếu để tăng năng xuất cây trồng và tiến tới sản phẩm sạch, sạch thật sự để có những sản phẩm tốt nhất, khi du khách thưởng thức sẽ nhớ đến hương vị của du lịch Mộc Châu”, anh Hiếu cho biết.
Không ngừng thay đổi tư duy sản xuất, từ việc chọn giống, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, cho đến áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... các hộ nông dân, hợp tác xã ở Sơn La tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết, hợp tác xã hiện có gần 15 hecta xoài theo tiêu chuẩn VietGap và cấp mã số vùng trồng xuất khẩu; ngoài ra còn liên kết với 30 hộ dân trồng xoài với diện tích 25 hecta. Các sản phẩm hoa quả của hợp tác xã được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài là minh chứng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên trong quá trình chuyển đối cơ cấu sản xuất.
“Để làm tốt công tác sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hợp tác xã chúng tôi đã đề ra ngay từ đầu năm sẽ sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP và theo tiêu chuẩn mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm là mục tiêu lớn nhất của hợp tác xã để phục vụ thị trường xuất khẩu”, ông Hà Văn Sơn cho hay.
Năm 2024, tổng sản phảm nông sản của tỉnh Sơn La ước đạt khoảng 2,5 triệu tấn, trong đó sản phẩm trái cây dự kiến gần 400.000 tấn. Toàn tỉnh tiếp tục duy trì phát triển nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lớn, như: Doveco Sơn La, ICFood Vân Hồ, NaFoods Tây Bắc...
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản. Đồng thời, chú trọng công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm, từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến bảo quản, chế biến, không để những vùng trồng tự phát gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
“Sơn La sẽ hướng tới con đường sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những sản phẩm tốt nhất để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của Sơn La. Con đường bắt buộc phải sản xuất theo chất lượng, bởi vì minh chứng một điều người tiêu dùng có dùng thì siêu thị mới bán được, còn người tiêu dùng không dùng thì không bán cho ai được”, ông Nguyễn Thành Công nói.
Nông sản Sơn La đã khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ; các hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đây là một trong những tiền đề quan trọng, đưa nông sản Sơn La tiếp tục “cất cánh” vươn tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.