Nông nghiệp đang dần chuyển đổi để phát triển bền vững
VOV.VN -Từ nhận thức về nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại… đến việc xây dựng các Dự án Xử lý rác thải và phụ phẩm nông nghiệp
Ngành Nông Nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, từ sản xuất nông nghiệp dựa vào hóa học hóa và các biện pháp canh tác còn lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ cân bằng sinh thái sang nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Từ nhận thức về nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại…
Trong lịch sử sản xuất nông nghiệp hàng ngàn năm, cha ông ta đã đúc rút được một kho tàng kinh nghiệm thâm canh quý giá, lưu truyền trong những câu ca dao, tục ngữ, như: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Việt Nam đã có nông lịch, lịch thời vụ từ hàng ngàn năm, có nhiều kinh nghiệm về canh tác, xen canh gối vụ, dự báo thời tiết... Cha ông ta đã có những công trình lớn về đê đập, mương máng dẫn thủy nhập điền, cải tạo đất chua mặn, kinh nghiệm làm dầm đổ ải. Về phân bón, nông dân đồng bằng Sông Hồng từ lâu đã biết sử dụng phân hữu cơ từ phân gia cầm, gia súc, từ các nguồn phân xanh. Thái Bình là quê hương của bèo hoa dâu, làng La Vân là nơi xuất phát của phong trào trồng điền thanh và các cây họ đậu khác làm tăng nguồn đạm và các chất mùn …
Cần phân biệt nền sản xuất hữu cơ hiện đại với nền sản xuất hữu cơ cổ truyền. Theo Tổ Chức phát triển nông nghiệp Châu Á – Đan Mạch (ADDA), các nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ hiện đại như sau:
Tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, các chất điều tiết tăng trưởng cây trồng, các chất phụ gia kích thích tăng trọng trong chăn nuôi hoặc tăng trưởng trong trồng trọt.
Canh tác dựa vào các biện pháp cân bằng sinh thái, xen canh gối vụ, quay vòng hợp lý mùa vụ, cơ cấu cây trồng; xử lý bằng công nghệ các phụ phẩm các chất phế thải sau thu hoạch cây trồng, phân bón gia súc, gia cầm, làm sạch môi trường và tạo ra phân bón cùng các sản phẩm có ích khác; kiểm soát hệ sinh thái côn trùng bằng các biện pháp đấu tranh sinh học để phòng ngừa sâu bệnh.
Mục đích của nông nghiệp hữu cơ là để đảm bảo năng suất và chất lượng nông sản, vì sức khỏe cộng đồng, duy trì hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Đến Dự án Xử lý rác thải và phụ phẩm nông nghiệp ở Thụy An
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, một trong các giải pháp quan trọng là xử lý rác thải và các phụ phẩm nông nghiệp. Phương pháp ủ kỵ khí: Sử dụng các vi sinh vật kỵ khí (yếm khí) để phân giải chất thải hữu cơ trong các hầm ủ kín. Trước đây nông dân ủ kỵ khí rác thải, phân bón thường mất nhiều thời gian, nhưng nay nhờ sử dụng một hệ vi sinh vật kỵ khí có hoạt tính phân giải mạnh nên đã rút ngắn được thời gian xử lý rác thải.
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và đặc thù rác thải rắn và phụ phẩm nông nghiệp tại xã Thụy An, dự án lựa chọn giải pháp công nghệ kết hợp chôn lấp với sản xuất phân hữu cơ vi sinh bằng phương pháp ủ kị khí. Tính ưu việt của công nghệ: giảm thiểu tối đa diện tích chôn lấp rác thải, trong một thời gian tương đối ngắn tạo ra sản phẩm phân bón sạch để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, làm tăng độ phì nhiêu cho đất, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững (chất lượng sản phẩm tốt, năng suất cao, đạt lợi nhuận tối đa.).
Theo số liệu điều tra 2013, Thụy An có 311 ha canh tác. Nhờ có hệ thống đê bao và hệ thống mương máng bảo vệ thủy lợi, nông dân đã chuyển từ tập quán làm dầm sang làm ải, từ cấy lúa sang reo vãi, một năm làm ba vụ.
Vấn đề cấp thiết hiện nay ở Thụy An là môi trường sản xuất đất nông nghiệp đang bị ô nhiễm. Việc chăm bón cho cây thuốc lào vẫn phải dùng phân tươi, phân bắc. Phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không được thu gom, chất đống rải rác khắp nơi trên đồng ruộng, đặc biệt là việc ngâm thân cây thuốc lào, thuốc lá xuống mương gây ô nhiễm nặng.
Tổng lượng rác sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiệp của xã Thụy An là 11773 tấn/ năm. Đó là chưa tính rác thải ở chợ và phụ phẩm sau khi thu hoạch của một số loại cây trồng khác như: hành, tỏi, dưa và một khối lượng lớn phân gia súc gia cầm thải ra hàng ngày. Sự ô nhiễm môi trường ở xã Thụy An xảy ra ở mức báo động. Những bãi tập trung rác ngày một tăng lên lấn chiếm diện tích đất canh tác. Công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp rác thải tổng hợp không qua phân loại, không được sử dụng làm phân bón và gây ô nhiễm môi trường.
Trước tình hình nêu trên, Dự án của Trung tâm Vì Sự nghiệp xanh thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT VN triển khai nhằm mục tiêu:
Tuyên truyền, giáo dục người dân có ý thức phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng một số chất thải rắn, loại bỏ chất thải độc hại, biến rác thải sinh họat có nguồn gốc hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp thành loại phân bón sạch, chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ bằng công nghệ ủ kỵ khí với các chế phẩm vi sinh vật đa chủng đã được triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước.
Tạo điều kiện tốt, thúc đẩy chăn nuôi, trồng trọt theo chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với các giải pháp kinh tế xã hội khác như xây dựng thương hiệu LTTP an toàn chất lượng cao và sạch an toàn, xây dựng chuỗi giá trị trong nền nông nghiệp hàng hóa, hi vọng dự án sẽ góp phần tạo ra mô hình nông nghiệp hữu cơ tiên tiến ở thụy an, là một mô hình điểm để triển khai trong toàn tỉnh và các địa phương trên cả nước.
Cải thiện điều kiện môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường: đất, nước, không khí… phòng ngừa dịch bệnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cũng như sức khỏe của cộng đồng.
Dự án tập hợp sức mạnh toàn dân, nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo việc làm cho người dân đặc biệt là một số đối tượng nghèo trong xã.
Tổ chức tổ dịch vụ môi trường trong xã. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, tiến tới xây dựng hương ước bảo vệ môi trường được chính quyền xã ra quy định sau khi đã lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân bao gồm: các nông hộ, các dòng tộc, các cơ quan đoàn thể, các trường học…. Đây là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của làng xã Việt Nam kết hợp với tư duy khoa học hiện đại về bảo vệ môi trường. Tạo mô hình điểm nhân rộng ra các xã của huyện, của tỉnh và trong cả nước.
Năm 1958, khi về thăm tỉnh Thái Bình gặp gỡ cán bộ và nhân dân Hồ Chủ Tịch đã nói: “Hương ước là những khoán ước trong làng xã, người dân quy định với nhau không vất rác thải bừa bãi, không để trâu bò phá hại lúa màu, không được sử dụng gia súc bị bệnh gây dịch, không được trộm cắp của nhau…đó là những phong tục tập quán đẹp trong nông thôn nước ta từ trước tới nay. Sau này các cô, các chú bỏ đi hết tất cả, thế là không đúng. Cách mạng chỉ xóa bỏ cái dở, cái xấu, còn cái tốt, cái hay cần giữ gìn phát huy.” (Tuyển tập Hồ Chí Minh tập 3 trang 68).
Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiệp tại xã Thụy An không chỉ đòi hỏi công nghệ tối ưu mà còn là hoạt động thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân về bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại hiệu quả cao trong kinh tế hàng hóa. Hy vọng kết quả dự án sẽ tạo ra một điển hình tốt có thể triển khai trong các địa phương toàn tỉnh và lan tỏa trên toàn quốc./.