Nông nghiệp hữu cơ mang lại nông sản sạch

Nếu mô hình nông nghiệp hữu cơ được nhân rộng, người tiêu dùng sẽ không còn nỗi lo ăn phải rau quả bị nhiễm hóa chất độc hại

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) mang lại các nông sản hoàn toàn sạch, có giá trị kinh tế và tuyệt đối bảo vệ môi trường. NNHC hiện có mặt trên 110 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, NNHC đã xuất hiện, tuy nhiên vẫn chưa thể hiện được hết các tính chất ưu việt của mình. 

Ưu thế rõ rệt, nhưng vẫn chưa phát triển

2 năm trước đây, dự án “Phát triển khuôn khổ cho sản xuất và marketing Nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam” của Hội Nông dân Việt Nam (VNFU) và tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA) đã được triển khai. Theo đó, Hội nông dân các tỉnh sẽ cử các hội viên có mong muốn tìm hiểu về NNHC, có trình độ tối thiểu là tốt nghiệp Phổ thông trung học, để tham gia khóa đào tạo khoảng 4,5 tháng do ADDA tổ chức.

Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội là 6 tỉnh đầu tiên được thử nghiệm chương trình đào tạo này. Cụ thể là tập huấn trồng lúa hữu cơ cho nhóm nông dân xã Tả Vai, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai; tập huấn trồng vải hữu cơ cho nhóm nông dân xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang; tập huấn rau hữu cơ cho nhóm nông dân xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, xã Định Phúc, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, xã Đình Bảng, Bắc Ninh; và tập huấn thủy sản hữu cơ cho nhóm nông dân ở Tân Dân, Hải Phòng. Dự kiến đến năm 2010, sẽ có khoảng 3000 đến 3750 nông dân được đào tạo về NNHC và có sản xuất thành phẩm hữu cơ.

Nông dân hữu cơ ở Sóc Sơn đã đưa ra báo cáo tổng kết giá trị kinh tế trên ruộng cải bắp, cà chua theo phương pháp canh tác hữu cơ. Tổng thu nhập là 48 triệu/ sào cà chua so với thông thường 20 triệu/ sào cà chua. Chi phí sản xuất: 922.000 đồng/ruộng cà chua so với thông thường là 945.000 đồng/ruộng cà chua. Lợi nhuận thu về 38.780.000 đồng so với thông thường là 19.055.000 đồng.

Riêng ruộng cải bắp do đợt ngập úng tháng 11 năm ngoái, sản lượng hữu cơ chỉ có 400kg/ruộng cải bắp nhưng bán ra 10.000 đồng/kg so với sản lượng vô cơ 1,4 tấn/ruộng cải bắp với giá bán ra 2.500 đồng/kg. 

Báo cáo giá trị kinh tế canh tác hữu cơ cà chua và cải bắp ở Sóc Sơn 

Loại cây

Nội dung   

Cà chua

Cải bắp

Hữu cơ

Thông thường

Hữu cơ

Thông thường

Doanh thu

40 triệu đồng/sào

20 triệu đồng/sào

4.000.000đ

3.500.000đ

Chi phí

922.000đ/ruộng

945.000đ/ruộng

 

 

Lợi nhuận

38.780.000đ

19.055.000đ

 

 

Sản lượng

 

 

400kg

1,4 tấn

Như vậy, nguồn lợi mang lại từ NNHC là rõ rệt. Đồng thời NNHC rất an toàn với con người từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và bảo vệ tuyệt đối môi trường do chỉ sử dụng các sản phẩm “thiên nhiên”: bón phân ủ (từ tàn dư cây trồng, chất thải động vật), sử dụng thuốc diệt trừ sâu bệnh có nguồn gốc tự nhiên, thảo mộc (dấm gỗ, lá cây xoan nghiền), các cây dẫn dụ (hoa, cỏ…). Nông dân cũng có thể trồng luân canh và sử dụng phân xanh để tăng độ màu cho đất.

Tuy nhiên, dự án vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt do việc áp dụng NNHC gặp không ít trở ngại từ vốn khởi tạo chuyển đổi sản xuất từ vô cơ sang hữu cơ, chưa có cơ quan chứng nhận chuẩn sản phẩm hữu cơ cũng như định chế giá cả… 

Thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất

Người nông dân làm NNHC cần cải tạo đất trồng, nguồn nước theo chuẩn nông nghiệp an toàn (IPM), chuẩn bị phân chuồng, phân xanh và giống cây, con đảm bảo trước khi tiến hành trồng trọt, chăn nuôi so với phương pháp canh tác vô cơ (sử dụng phân bón hóa học ngoài thị trường và không cần đạt chuẩn đất hay nguồn nước).

Công đoạn này tốn khá nhiều thời gian (ít nhất 3 tháng) và công sức bỏ ra của người nông dân không hề nhỏ. Và trong thời đó, họ sẽ tạm thời phải chấp nhận việc chưa thu hồi vốn từ quá trình đầu tư cải tạo chuyển đổi khu vực sản xuất. Vậy thì ai sẽ là người chịu bỏ tiền cho họ đầu tư không sinh lãi?

Thêm vào đó, khả năng sản xuất lớn của NNHC rất hạn chế do diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất do chất thải công nghiệp và việc sử dụng phân bón hóa học quá lâu trước đó ngày càng gia tăng. Sản xuất NNHC lại đòi hỏi việc tạo “vùng đệm” với vùng NNVC, trồng đan xen các cây cỏ dẫn dụ, chăm sóc “thủ công” – bắt sâu bệnh cho cây trồng.

Lúc này, biện pháp được đưa ra là phát triển song song nông nghiệp an toàn (NNVC đảm bảo an toàn cho sức khỏe) và NNHC để đảm bảo sản lượng, năng suất. Đồng thời thiết lập các cơ quan phân phối giống cây, con hữu cơ; phân xanh; kêu gọi đầu tư chuyển đổi sản xuất, dần phát triển qui mô NNHC. Nhưng điều này cũng không thể diễn ra một sớm một chiều. 

Chưa có chuẩn sản phẩm hữu cơ

Ông Koen Den Braber, cố vấn kĩ thuật dự án cho biết: “Các nông dân Đan Mạch đã phải mất 10 năm “thử nghiệm” NNHC để được Chính phủ chứng nhận chuẩn nông sản hữu cơ”.

NNHC mới du nhập vào Việt Nam thì làm sao có chứng nhận cho nông sản hữu cơ? Có một thực tế không thể phủ nhận rằng: mặc dù NNHC vẫn được tiến hành phổ biến và sản xuất nhưng nông sản hữu cơ chưa có một chuẩn mực nào để kiểm định hay được cấp chứng nhận sản phẩm an toàn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khâu tiêu thụ sản phẩm này.

Chị Phạm Thị Chính (thôn Tân Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), một nông dân trồng rau hữu cơ cho biết: “Cảm quan ban đầu cho thấy rau vô cơ (sử dụng phân bón hóa học hoặc có thể sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng) trông màu sắc tươi, ngon hơn rau hữu cơ. Người dân ở đây lại thiếu hiểu biết về tính ưu việt của rau hữu cơ nên họ thường chọn mua rau vô cơ, mặc dù giá cả rau hữu cơ rẻ hơn từ 1.000 – 2.000 đồng so với rau vô cơ.

Vườn cà chua vô cơ
 
Vườn cà chua hữu cơ
Khi được hỏi về biện pháp khắc phục vấn đề pháp lý của sản phẩm hữu cơ, ông Koen cho hay: “Thay vì đợi Chính phủ chứng nhận, NNHC Việt Nam cần xây dựng lòng tin của người tiêu dùng, tiếp thị xã hội các nông sản hữu cơ bằng các buổi tổ chức hội thảo phổ biến kiến thức NNHC, tổ chức các buổi tham quan khu vực sản xuất hữu cơ cho người tiêu dùng, xây dựng hệ thống phân phối các sản phẩm hữu cơ…”

Nhưng việc triển khai tất cả các biện pháp trên đòi hỏi một lộ trình dài hạn. Vì vậy NNHC Việt Nam vẫn phải “đợi cơ hội” tiếp cận với người tiêu dùng. Chính vì chưa có chứng nhận cho nông sản hữu cơ nên giá cả của sản phẩm hữu cơ do nông dân “tự đặt”.

Anh Mai Văn Tường, học viên khóa đào tạo nông dân hữu cơ kiêm cán bộ kĩ thuật dự án cho biết: “Thông thường chúng tôi nâng giá nông sản hữu cơ lên gấp đôi hoặc gấp rưỡi bình thường”!

Giá cải bắp lên đến 10.000 đồng/kg của nông dân hữu cơ huyện Sóc Sơn là một ví dụ. Với giá thành này, người khá giả mới chấp nhận được. Tuy nhiên, về lâu dài, NNHC có chi phí sản xuất thấp hơn nên giá thành sẽ hạ.  

Lời kết

NNHC với những lợi ích lâu dài mà nó mang lại cần phải được phát triển và nhân rộng ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự quan tâm của các Bộ, ban ngành của Chính phủ, tạo điều kiện cho các công trình nghiên cứu về NNHC tại Việt Nam để sớm đưa ra chuẩn cho nông sản hữu cơ và cơ quan phụ trách cấp giấy chứng nhận chuẩn. Đồng thời có các thỏa thuận, thống nhất về định chế giá cả đảm bảo bình đẳng về lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Được biết, Hội Nông dân Việt Nam (VNFU) và tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA) sẽ đẩy mạnh qui mô đào tạo của dự án, đầu tư hệ thống phân phối sản phẩm hữu cơ và tổ chức tiếp thị xã hội nông sản hữu cơ để giúp nông dân đi đến cái đích cuối cùng của NNHC.

Đến với NNHC, người tiêu dùng cần xác định tâm thế “tiêu dùng vì môi trường”, vì sức khỏe của chính bạn và gia đình. Đó chính là thông điệp mà Ban quản lý dự án NNHC muốn gửi gắm thông qua chiến dịch tiếp thị xã hội nông sản hữu cơ.

Nông nghiệp hữu cơ giúp tăng sức cạnh tranh trên thị trường nông sản thế giới

Theo các chuyên gia của Quỹ Nông nghiệp và Phát triển Quốc tế (IFAD) thì mục đích đầu tiên của việc tăng cường canh tác bằng công nghệ hữu cơ là nhằm tạo ra nhiều việc làm mới tại các vùng nông thôn. Điều này trực tiếp giúp giảm làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị. 

Tại Trung Quốc, giá trị xuất khẩu nông sản canh tác bằng công nghệ hữu cơ tăng từ mức dưới 1 triệu USD giữa những năm 1990 đến gần 200 triệu USD trong năm 2004.

Theo Asia Times

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên