Nông nghiệp nông thôn chỗ dựa cho dòng người hồi hương giữa đại dịch
VOV.VN - Những dòng người lao động từ các thành phố, khu công nghiệp về quê, chỗ dựa giúp người lao động có thể ổn định cuộc sống và tâm lý vượt qua đại dịch chính là sản xuất nông nghiệp.
Nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ
Đại dịch Covid-19 ngành nông nghiệp lại được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp hiện nay là 35,5 tỷ USD và vẫn còn dư địa để tăng. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt được kế hoạch đặt ra 42,5 tỷ USD nhưng sẽ lệ thuộc nhiều vào tình hình diễn biến dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp ngoài đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, trong mọi biến cố ở các nền kinh tế thì nông nghiệp đều phát huy vai trò trụ đỡ, bởi nhu cầu ăn uống, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp thì bối cảnh nào cũng cần.
“Dòng người hồi hương thời gian qua cũng cho thấy nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp. Nông thôn chính là bệ đỡ về an sinh như “ngôi nhà” của người lao động. Sau này, chưa rõ họ có quay lại khu vực công nghiệp hay không, nhưng giai đoạn này có thể khẳng định, nông thôn chính là nơi giúp người lao động có thể ổn định cuộc sống và tâm lý trong lúc cuộc sống khó khăn” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Tuy nhiên trong giai đoạn chống chọi với dịch bệnh, ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn như chi phí đầu vào tăng, những biến cố thị trường, đứt gãy logistic cung ứng thế giới… Mục tiêu của Chính phủ mở cửa nền kinh tế, phục hồi phát triển kinh tế có thể cũng sẽ gặp một vài khó khăn khi dịch bùng phát tại một số địa phương.
Một thực tế công tác chống dịch một số địa phương ảnh hưởng đến lưu thông, sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận: “Hằng năm, tôi có gặp các “vị vua” (như vua chuối, vua cà phê, vua lúa gạo, vua hồ tiêu) họ đều có niềm tin vào doanh nghiệp của mình, mặc dù cũng hơi "nặng lòng" với cách chống dịch của một số địa phương trong thời gian vừa qua đã phần nào làm doanh nghiệp gặp khó”.
Chia nhỏ trong sản xuất nông nghiệp - thích ứng với đại dịch
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, trước đây, chúng ta thường nói nông nghiệp là phải sản xuất quy mô lớn nhưng bây giờ điều đó cũng chưa chắc, nhất là do tác động của đại dịch Covid-19, mô thức hoạt động trong xã hội mùa Covid-19 nên giờ người ta chia nhỏ ra nhiều hơn.
“Ví dụ như việc chia nhỏ một nhà máy lớn thành nhiều nhà máy nhỏ, nếu bị F0, họ sẽ đóng cửa một chỗ còn những nhà máy khác vẫn hoạt động được, tức là họ sẽ chia nhỏ mà không theo xu thế tích tụ được, giống như trước đây ta quy hoạch những đại đô thị. Trước bối cảnh đại dịch, các đại đô thị này cũng bị chia nhỏ và kết nối những đô thị nhỏ lại, bản chất là chia nhỏ những mô thức. Nông nghiệp cũng vậy, cũng cần có sự thay đổi để thích ứng với đại dịch” Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.
Trong bối cảnh đó, những bước đi của ngành nông nghiệp nhiệm kỳ 2021-2025 với tầm nhìn phát triển chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại trong giai đoạn sắp tới, không phải quy hoạch lại ngành này hay ngành kia, tăng ngành này giảm ngành kia mà chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thêm.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, tái cơ cấu ngày nông nghiệp còn phải là thay đổi tư duy của người nông dân. Tất cả nông dân bây giờ cũng đều phải đứng trước nhu cầu khởi nghiệp. Khi chúng ta quan niệm rằng nền nông nghiệp không phải là sản xuất nông nghiệp mà là kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp thì chủ thể của kinh tế đó phải có tinh thần của người kinh doanh.
“Người nông dân bây giờ cũng phải tính đầu tư vào đâu, sản xuất kinh doanh cái gì, bán đi đâu mới hiệu quả? Vì vậy, người nông dân cần phải có tinh thần của người kinh doanh. Đó là doanh nhân hóa nông dân, chứ không phải doanh nhân chỉ là nhà máy, xí nghiệp. Hộ nông dân cũng phải tiến hành sản xuất kinh doanh trên tinh thần của doanh nhân, bản chất là đầu tư để tìm lợi nhuận, để làm giàu cho mình. Đó là tinh thần doanh nhân. Vì vậy, nông dân phải có tinh thần khởi nghiệp” - ông Vũ Tiến Lộc nói./.