Nông nghiệp – thương hiệu Việt!
Không có lý gì một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu lại không lấy thương hiệu chiến lược cho mình là nông nghiệp ?
LTS: Nhìn nhận vài trò của nông nghiệp và đưa ra luận điểm nghiêm túc về những thế mạnh của nông sản Việt Nam sẽ giúp chúng ta có được những bước đi đúng và tìm ra thương hiệu chiến lược cho quốc gia. Vẫn biết, nông nghiệp luôn là giá đỡ của nền kinh tế khi khủng hoảng, khó khăn thì việc củng cố giá đỡ này cho vững chắc chính là tạo động lực cho phát triển toàn diện nền kinh tế.
Nói rằng “ấn tượng kinh tế Việt Nam” chính là sản xuất và phát triển nông nghiệp là hoàn toàn có cơ sở. Nhiều chuyên gia kinh tế đã khẳng định và lập luận có căn cứ rằng không có lý gì một quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới với nhiều loại nông sản chủ lực như gạo đứng hai thế giới; cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản cũng đều đứng ở các vị trí “top” đầu của các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu, lại không lấy thương hiệu chiến lược cho mình là nông nghiệp. Thêm nữa, cho đến nay Việt Nam vẫn chiếm tới hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn.
Đã đến lúc nền kinh tế nước ta phải tư duy lại về chiến lược phát triển, không thể cứ đeo đuổi những mục đích xa vời, mà không tận dụng triệt để những cái vẫn được coi là “sở trường” của ta. Nhìn lại hàng loạt những cuộc khủng hoảng kinh tế từ trước đến nay thì nông nghiệp vẫn luôn là giá đỡ cho nền kinh tế. Suốt 25 năm sau đổi mới, nền kinh tế nước ta đã nhiều lần gần rơi vào lạm phát, khủng hoảng. Lần thứ nhất vào cuối năm 1988, chính sách khoán 10 đã khiến cho nông nghiệp đứng thẳng dậy, phát triển ngoạn mục, làm chỗ dựa cho cả công nghiệp, dịch vụ vượt qua khó khăn. Lần thứ 2 là cuối những năm 1990, khu vực Đông Nam Á khủng hoảng, cả công nghiệp và dịch vụ đều suy thoái, nhưng nông nghiệp nước ta vẫn tăng trưởng rất tốt, và vì thế những người bị “dội lại" từ công nghiệp lại trở về yên ấm với nông nghiệp. Lần thứ 3 là năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu, cả công nghiệp và dịch vụ suy giảm mạnh, nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng cứu nền kinh tế. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng: giả sử, nếu năm 2008, nông nghiệp thất bát, thì dẫu chúng ta có thực hiện nhóm 8 giải pháp của Chính phủ tốt đến bao nhiêu, chỉ số giá cả cũng không thể giảm như thế được. Đó là công lớn của ngành nông nghiệp! Và giờ đây, khủng hoảng kinh tế thế giới cộng với lạm phát tăng cao, người ta lại thêm một lần nữa đánh giá cao vai trò của an ninh lương thực, vai trò của sản xuất nông nghiệp làm giá đỡ, là động lực cho sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
Dễ dàng nhận thấy hầu hết các chỉ tiêu xếp hạng của Việt Nam đều ở mức thấp của thế giới, nhưng ta lại thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất thế giới. Bởi vì nền nông nghiệp của ta phát triển, kinh tế nông thôn ổn định đã cung cấp đủ lương thực thực phẩm toàn dân, tạo ra giá nhân công rẻ, công tác xóa đói giảm nghèo tốt. Và nữa, trong khi các ngành sản xuất khác nhập siêu, chỉ riêng ngành nông nghiệp luôn xuất siêu, mặc dù rất khó khăn.
Điều người ta quan tâm là: vậy một đất nước có thế mạnh nông nghiệp có thể xây dựng thương hiệu quốc gia bằng nông sản? Rõ ràng nếu xác định đúng thế mạnh là quốc gia tiên phong về nền “kinh tế xanh”, và là “nhà lãnh đạo” trong giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực thì việc biến Việt Nam thành một trung tâm nông sản toàn cầu không hề viển vông.
Đâu đó, lúc này, lúc khác chúng ta còn lúng túng trong việc tìm thương hiệu quốc gia thì việc đưa ra được một luận điểm nghiêm túc rằng mình ở đâu trong chuỗi giá trị thế giới, để thấy được vị thế và điểm mạnh của mình là vô cùng cần thiết. Việc cổ súy cho phát triển một số ngành công nghiệp, hay công nghệ phần mềm không phải không có những tiềm năng song rõ ràng chính nông nghiệp mới đang đóng vai trò chủ đạo cho tăng trưởng GDP của quốc gia.
Với cà phê, hướng đến mô hình “nhà lãnh đạo cà phê thế giới” đã manh nha và hoàn toàn có thể thực hiện được với sự hỗ trợ tích cực và tạo động lực từ phía Nhà nước. Và như thế, với gạo, hồ tiêu, cao su hay thủy sản, chúng ta cũng có thể làm được như vậy. Vấn đề đầu tư, ưu tiên cho nông nghiệp không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị-xã hội. Hơn bao giờ hết ai cũng hiểu rằng, nông nghiệp bền thì kinh tế vững và nông dân khá là đất nước giàu!