Nông nghiệp vượt khó khăn, tăng trưởng vượt xa mục tiêu đề ra
VOV.VN - Tăng trưởng vượt bậc từ trong khó khăn là những gì ngành Nông nghiệp đã làm được trong năm 2022. Dù thiên tai, dịch bệnh, giảm đơn hàng do lạm phát... kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn đạt trên 53 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.
Nhìn lại năm 2022, ngoài việc phải đối mặt nhiều khó khăn tồn tại lâu nay như: hạ tầng yếu kém, xâm nhập mặn, trình độ chế biến còn hạn chế, đầu tư cũng rất khiêm tốn…, ngành Nông nghiệp còn phải đứng trước những thử thách chưa từng có do tiếp tục ảnh hưởng đại dịch Covid-19 từ các thị trường xuất khẩu, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, năm qua, có thể nói là năm ngành Nông nghiệp, bà con nông dân phải chịu tác động rất lớn khi giá nhiều loại vật tư nông nghiệp chủ chốt như: Phân bón, thức ăn chăn nuôi… tăng với tốc độ “phi mã”.
“Giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng mạnh tác động lớn tới việc tăng giá trong nước, trước tiên các nông hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.
Giá phân bón tăng cao lịch sử khiến cho nhiều hộ nông dân lâm vào tình trạng khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế. Anh Nguyễn Văn Hiển, ở xã Trung Hoà, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên có 7 sào trồng ổi, các loại cây ăn quả khác, mỗi vụ thu hàng trăm triệu tiền bán nông sản. Thế nhưng do giá phân bón tăng cao, đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, anh phải tận dụng mọi nguồn phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất.
“Giá phân bón lên quá cao, tôi không dám dùng tới phân bón vô cơ, chuyển sang tận dụng phân hữu cơ, phụ phẩm thừa từ nông nghiệp để chăm bón”, anh Nguyễn Văn Hiển nói.
Đây chỉ là những dẫn chứng cụ thể để tạm thấy được hàng loạt những khó khăn mà ngành Nông nghiệp vấp phải trong năm qua. Khó khăn là vậy, tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, giải pháp điều hành linh hoạt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự nỗ lực lớn của địa phương, doanh nghiệp, người dân, ngành Nông nghiệp vẫn có tăng trưởng vượt bậc trong năm qua với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản phá đỉnh lịch sử, đạt 53,22 tỷ USD, vượt xa mục tiêu được giao là 50 tỷ USD.
Nhờ đó, xuất khẩu nông sản với nhiều nhóm hàng chủ lực nông sản đã hoàn thành mục tiêu xuất khẩu, thậm chí thiết lập kỷ lục lịch sử mới. Việc thắng lớn ở 'chợ toàn cầu' năm 2022 đã mang lại cho nông sản xuất khẩu một chỗ đứng vững chắc tại các thị trường như lô hàng 40 tấn bưởi da xanh tại Bến Tre lên đường sang Mỹ vào cuối tháng 11. Đây là lô bưởi đầu tiên xuất sang thị trường này, sau gần hai tháng, Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo chính thức cho phép nhập khẩu quả bưởi tươi Việt Nam. Hàng loạt các loại trái cây đặc sản như: chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang… mở cửa xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, khiến giá các mặt hàng này tăng vọt. Bên cạnh các sản phẩm này, ngành gỗ liên tục duy trì tăng trưởng vượt bậc. Có thể nói, đây là ngành đã vượt qua rất nhiều khó khăn để có thể đạt mọi tiêu chuẩn, có được chỗ đứng vững chắc ở các thị trường khó tính như hiện nay.
“Chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn để các sản phẩm gỗ, lâm sản có chỗ đứng vững chắc trên nhiều thị trường”, ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết.
Ngành thủy sản có một năm thắng đậm chưa từng có, đạt xấp xỉ 11 tỷ USD, tăng 22,9%. Chỉ tính trong 11 tháng của năm 2022, xuất khẩu tôm cá thu về 10,14 tỷ USD - vượt mục tiêu 9 tỷ USD đề ra hồi đầu năm. Trong đó, xuất khẩu tôm lập kỷ lục 4,3 tỷ USD, cá ngừ lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD. Cần khẳng định rõ mục tiêu này được đặt ra cách đây 3 năm và năm nay mới có thể đạt được, xuất khẩu cá tra cũng đạt con số kỷ lục 2,4 tỷ USD, phá đỉnh lịch sử.
Bước sang năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp là tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu với nỗ lực, quyết tâm cao hơn, bảo đảm an toàn dịch bệnh khi sản xuất, vận chuyển cần hết sức chú ý các quy định để sản phẩm dễ dàng thông thương vào các quốc gia khác. Mặt khác, để mặt hàng nông sản nối tiếp đà tăng trưởng, chúng ta cần tiếp tục tổ chức sản xuất đúng tiêu chuẩn chất lượng tại các vùng sản xuất, tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại thị trường nước ngoài, khẳng định thương hiệu sản phẩm, khẳng định vai trò, vị trí, để có cơ chế chính sách phù hợp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân trong thời gian tới, để nông nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh, nâng tầm trên trường quốc tế./.