Nông sản Đắk Lắk kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu
VOV.VN - Những tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nông sản tại Đắk Lắk đã nhộn nhịp, hứa hẹn tiếp tục mang đến những kết quả tốt đẹp. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới, tối ưu quy trình để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Ngày 5/2, Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm, huyện M’Đrắc, tỉnh Đắk Lắk làm lễ xuất khẩu 5 container (100 tấn) chuối sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc công ty cho biết, năm ngoái, công ty đã xuất khẩu trên 10.000 tấn chuối sang các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ… Năm nay, công ty sẽ mở rộng thêm khoảng 500 hec-ta để tăng sản lượng chuối và chinh phục các thị trường mới: “Trong năm 2025, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ mở rộng thêm farm mới và tăng sản lượng xuất khẩu đến tay người tiêu dùng nhiều hơn nữa, bởi nhu cầu người tiêu dùng càng ngày càng lớn”.

Với Công ty TNHH Ban Mê Green Farm, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ngay đầu năm 2025, đã ký biên bản ghi nhớ và hợp đồng với đối tác thực hiện hơn 100 container sầu riêng, tương đương hơn 2.700 tấn múi sầu riêng đông lạnh xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc điều hành Công ty, cho biết. “Năm 2025 đã đạt được những tín hiệu tích cực, gần như các đối đã chốt hợp đồng đầy công suất xưởng 1 và công ty đang phải triển khai các công tác để liên kết mở rộng thêm nhà xưởng và các kho liên kết khác”.
Một tín hiệu vui khác trong xuất khẩu nông sản ở Đắk Lắk là phân khúc cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản tiếp tục được các thị trường quốc tế quan tâm. Bên cạnh cà phê xuất thô, các sản phẩm cà phê chế biến sâu của tỉnh cũng dần khẳng định được vị thế khi có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó có những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…
Ông Lê Đình Tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minodo Farm Care, thành phố Buôn Ma Thuột, cho rằng: năm 2025 tiếp tục hứa hẹn là một năm vươn xa của nông sản Đắk Lắk nếu được đầu tư, quan tâm đúng mức. “Các doanh nghiệp chế biến sâu và làm cà phê chất lượng cao, trước tiên phải có sự hỗ trợ về chính sách. Thứ 2 là về tài chính để thay đổi về công nghệ, maketing tham gia các hội chợ quốc tế chi phí rất là lớn phải có sự hỗ trợ từ trung ương đến địa phương”.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: năm 2025, tỉnh tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. “Chúng tôi rất quan tâm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tạo ra hướng sản xuất tập trung, có chứng nhận, có thương hiệu và cạnh tranh được với các thị trường. Đặc biệt là các thị trường yêu cầu chất lượng cao, ngày càng khó tính. Đó là cơ sở để có thể nâng tầm giá trị nông sản ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung”.
Với những tiềm năng lợi thế lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, kỳ vọng năm 2025, nông sản Đắk Lắk tiếp tục nâng tầm thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu để gặt hái những thành công mới. Điều này góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.