Nông sản hàng hóa khó phát triển theo kiểu “dàn hàng ngang”
VOV.VN - Phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng giá trị gia tăng cần định vị loại cây trồng chủ lực, từ đó hình thành được vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn.
Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại cây trồng xứ lạnh giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên đến nay, sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có những sản phẩm nông nghiệp xứng tầm tiềm năng. Huyện Kon Plông đang tích cực tìm giải pháp để thúc đẩy hợp tác, liên kết hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Sau hơn 15 năm được tỉnh Kon Tum xác định là vùng kinh tế động lực, nhưng riêng với lĩnh vực nông nghiệp, huyện Kon Plôngvẫn chưa hình thành được sản phẩm hàng hóa quy mô lớn để chiếm lĩnh thị trường.
Ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông thẳng thắn, chính do chưa hình thành được sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng nên mặc dù có tới trên 20.000ha đất nông nghiệp và cũng đã hình thành được Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất rau, hoa, củ, quả xứ lạnh với tổng diện tích trên 1.500ha nhưng giá trị sản xuất lĩnh vực này của huyện còn khá khiêm tốn.
“Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Kon Plông hiện nay chỉ đạt khoảng 770 tỷ đồng trên tổng giá trị sản phẩm. Như vậy mặc dù có tiềm năng phát triển nông nghiệp rất lớn, nhưng ngành nông nghiệp chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hiện có. Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp mặc dù cũng đã đạt được kết quả, nhưng thực sự để xác định vị trí, chỗ đứng cho ngành nông nghiệp của huyện Kon Plông chưa tương xứng với tiềm năng”, ông Hà chỉ rõ.
Đến Kon Plông bây giờ, người dân cũng như du khách có thể thưởng thức nhiều đặc sản tại chỗ như cơm gạo đỏ, sâm dây, cà phê Arabica, tiêu rừng…cùng các loại rau, hoa, củ, quả xứ lạnh. Tuy nhiên, tất cả sản phẩm nông nghiệp của huyện hiện vẫn đang ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không đáp ứng được những đơn hàng số lượng lớn.
Ông Phạm Thanh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông cho biết, hiện tại các DN đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Kon Plông đang có hàng chục đầu sản phẩm rau, hoa, củ, quả xứ lạnh, nhưng lại chưa thể trở thành hàng hóa do sản xuất nhỏ lẻ. Ông Thanh cho rằng, đã đến lúc sản xuất nông nghiệp của huyện không thể mãi dàn hàng ngang với tất cả các loại cây trồng.
“Để các sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm hàng hóa lớn, sắp tới huyện sẽ liên kết các DN trong vùng để sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung vào các thị trường ổn định. Trong đó tập trung vào một số sản phẩm chủ lực, tránh dàn trải như hiện nay sẽ rất khó trở thành sản phẩm hàng hóa”, ông Thanh nêu.
Lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia và những nhà quản lý, UBND huyện Kon Plông xác định, để phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao được giá trị gia tăng cần phải định vị lại loại cây trồng và hình thành được vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn.
Trước mắt, huyện sẽ phát triển thêm 500ha cây cà phê xứ lạnh Arabica nâng tổng diện tích cây trồng này lên 1.500ha; hình thành vùng trồng chè Đông Trường Sơn với 500ha tại xã Hiếu và Pờ Ê; khoanh nuôi bảo tổn khoảng 500ha tiêu rừng... Cùng với đó là triển khai xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho những nông sản này.
Để cụ thể hóa mục tiêu đề ra, hiện Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông đang phối hợp với DN triển khai ươm giống 2 loại cây là chè và cà phê Arabica để cấp phát cho người dân. Chính quyền các xã được xác định phát triển vùng nguyên liệu cũng đã tuyên truyền về chủ trương của huyện tới người dân, đồng thời triển khai những giải pháp cụ thể để phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông cho biết, chính quyền xã đang tích cực hướng dẫn người dân chăm sóc tốt 140ha cà phê xứ lạnh hiện có, đồng thời có kế hoạch mở rộng thêm diện tích cây trồng này.
“Xã đang tập trung tuyên truyền vận động bà con giữ bằng được diện tích cây cà phê xứ lạnh. Khi xác định được tiềm năng sẵn có, xã cũng đã đề xuất với Đảng ủy ban hành Nghị quyết để tập trung phát triển hai thôn có thổ nhưỡng phù hợp để chuyên trồng cây cà phê xứ lạnh, đó là thôn Đăk Prồ và thôn Đăk Tăng. Qua quá trình họp triển khai vận động, đến nay bà con hoàn toàn đồng tình và hưởng ứng”, ông Bay cho biết.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đang thúc đầy sự hợp tác, liên kết giữa người dân và DN. Hiện với hai loại cây trồng gồm cà phê Arabica và cây chè, huyện Kon Plông đã kết nối được với DN cam kết hỗ trợ người dân từ giống, vốn, kỹ thuật đến thu mua bao tiêu sản phẩm.
Đối với một số sản phẩm rau, hoa, củ, quả xứ lạnh, huyện đang tích cực cùng DN sản xuất tiếp cận các hệ thống siêu thị, cửa hàng ở nhiều tỉnh, thành phố ký kết cung ứng nguồn hàng trên cơ sở đó xác định lại quy mô, tổ chức sản xuất đối với từng sản phẩm. Về lâu dài, huyện Kon Plông sẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản./.