Nông sản rớt giá - Câu chuyện vẫn còn tiếp diễn
VOV.VN - Nông sản hàng hóa không tính đến đầu ra của thị trường, thiếu sự kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ.
Thời gian qua, thực trạng nhiều mặt hàng nông sản trong nước liên tiếp rớt giá và đã có nhiều cuộc chung tay để "giải cứu". Đến thời điểm này, giá cả một số mặt hàng nông sản lên xuống bấp bênh khiến các hộ dân lo lắng, không biết sản phẩm của mình sẽ tiêu thụ ra sao.
Câu hỏi đặt ra là, khi nào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá mới chấm dứt? nhất là khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng và phải cạnh tranh với các mặt hàng nông sản ngoại nhập.
Câu chuyện tiêu thụ nông sản nóng lên khi dư luận đang quan tâm đến sự sống còn của người nông dân trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhớ lại chuyện giá heo hơi cách đây vài tháng, có thời điểm giá xuống dưới đáy với 20.000 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ nặng, nhiều hộ bỏ chuồng trại để chuyển đổi nghề. Hay như tình trạng xoài có thời điểm đang từ 30.000 đồng/kg, bỗng rớt giá thê thảm xuống còn trên dưới 10 ngàn đồng.
Thu hoạch lúa thủ công, giá thành cao và lúa thất thoát nhiều làm giảm thu nhập cho nông dân ĐBSCL. |
Ông Trần Phúc Huỳnh, một nông dân trồng xoài ở xã xã Thới Hưng cho biết, mấy năm trước giá xoài có xuống thấp nhất cũng còn 10.000 đồng/kg, hiện nay giá giảm còn 3.000 – 4.000 đồng/kg, nếu trừ chi phí trồng và công thu hoạch người dân không còn có lãi.
Nguyên nhân đầu tiên của việc rớt giá nông sản phải kể đến là tình trạng nông dân và doanh nghiệp chế biến chưa gặp nhau. Công ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (Cần Thơ) trong 6 tháng đầu năm đã chế biến hơn 10.000 tấn trái cây các loại, doanh thu xuất khẩu gần 1.500 tỷ đồng.
Trong đó, xoài đông lạnh, xoài đóng lon là những mặt hàng chủ lực. Nhưng nhu cầu mua xoài của công ty này hiện không phải là xoài cát Hòa Lộc, bởi giá thành đầu vào cao, sản xuất không có lãi. Trong khi, nhu cầu sản phẩm xuất khẩu của công ty chỉ cần thực phẩm an toàn và giá cả phải chăng.
Ngoài ra, do tính chất mùa vụ của nông sản, công ty thường xuyên thiếu nguyên liệu nên đành phải thu gom khắp các tỉnh ĐBSCL. Sau đó mang về sơ chế, đưa vào kho lạnh để có nguyên liệu chế biến cho những đơn đặt hàng tiếp theo.
Ông Nguyễn Vũ Lộc, Giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây chia sẻ, đây là vướng mắc chung của toàn bộ doanh nghiệp làm về trái cây chế biến, xuất khẩu nói chung, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều không có vùng nguyên liệu của mình.
Chính vì thế, doanh nghiệp không có khả năng cũng như không có cơ hội để ký kết các hợp đồng với đối tác thực sự lớn trên thế giới, mà chủ yếu khách hàng thuộc dạng tầm nhỏ, tầm trung do quy mô nguyên liệu không ổn định của mình.
Qua câu chuyện trên có thể thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu không có nhu cầu mua xoài cát Hòa Lộc. Trong khi đó, chỉ riêng xoài cát Hòa Lộc của xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ hiện ước đạt sản lượng trên 4.300 tấn/năm.
Với số lượng xoài lớn này thì thị trường nội địa sẽ không đáng kể; nhất là khi các siêu thị lớn thì mỗi ngày cũng chỉ tiêu thu vài chục kg, trong khi hàng lên kệ trong đó cần rất nhiều giấy tờ, quy chuẩn.
Ông Võ Hữu Thạch, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cần Thơ cho hay, trung tâm phân phối hiện không phân phối sản phẩm tươi sống, mới có trung tâm phân phối hàng khô. Do vậy, cần phải có 1 trung tâm phân phối sản phẩm tươi sống, đảm nhận, phối hợp với địa phương để thu mua phân phối lại cho các hệ thống.
Rõ ràng, sự phát triển ồ ạt trồng các loại nông sản hàng hóa không tính đến đầu ra của thị trường; người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ không kết nối thành 1 chuỗi sẽ dẫn tới những hệ lụy khôn lường. Giải bài toán tiêu thụ nông sản đang đặt ra vừa bức thiết vừa lâu dài, cần các giải pháp, bước đi phù hợp./.
Nông sản an toàn còn yếu ở khâu kết nối cung - cầu