Nông sản, thực phẩm Việt Nam thua thiệt vì thương hiệu “mờ nhạt”
VOV.VN - Để có được vị trí vững chắc trên thị trường thế giới, cần phải đẩy mạnh chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam.
Mặc dù có tiềm năng rất lớn, nhưng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam còn “mờ nhạt”. Do đó cần phải đẩy mạnh chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam, để có được vị trí vững chắc trên thị trường thế giới. Đây là chủ đề Hội thảo và Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương, Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan và Dự án Hỗ trợ Chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu, được tổ chức sáng nay (5/10) tại Hà Nội.
Hội thảo về xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt Nam |
Tuy nhiên cho đến nay, việc xây dựng thương hiệu cho lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, hoạt động xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận thu về từ xuất khẩu thấp. Ngoài ra, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu đi các nước trên thế giới nhưng lại không được biết đến là thương hiệu của Việt Nam. Chẳng hạn, Hàn Quốc đang nhập tới 90% cà phê của Việt Nam, nhưng hầu hết người tiêu dùng nước này lại nhầm tưởng là cà phê Brazil.
Hiện, chỉ có một vài thương hiệu thực phẩm chế biến của doanh nghiệp được biết đến như Cà phê Trung Nguyên, Vinamit, Mì Acecook…Các nông sản, thủy sản khác chủ yếu dùng thương hiệu nhà bán lẻ nước ngoài. Hầu hết người tiêu dùng các nước nhập khẩu không biết đến sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam do không có thông tin. Nguyên nhân là không có thương hiệu đủ mạnh, không làm đủ và đúng hoạt động truyền thông, marketing, xúc tiến thương mại.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn chia sẻ, khi mới đầu bắt tay làm thương hiệu sản phẩm, chỉ đơn giản nghĩ đó là hình ảnh hoặc một cái tên, nhưng như vậy là chưa đủ. Thương hiệu phải là một chiến lược lâu dài và cần đầu tư dài hạn.
Lễ ký kết chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt Nam |
Theo Bộ Công Thương, mặc dù các hiệp hội doanh nghiệp tích cực xúc tiến thương mại tại nhiều thị trường khác nhau, nhưng ở tầm quốc gia, những cố gắng đơn lẻ của từng mặt hàng không tạo nên sức mạnh chung. Do đó cần một chiến lược tổng thể về xây dựng và phát triển thương hiệu của ngành, để khách hàng và người tiêu dùng nước ngoài đánh giá đúng về chất lượng, giá trị hàng hóa và năng lực cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Chương trình xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam được tiến hành từ năm 2014 và bắt đầu triển khai từ tháng 3/2016, với 9 ngành hàng có thế mạnh (gồm thủy sản, cà phê, gạo, hạt điều, trái cây, chè, hạt tiêu, dừa và mật ong). Giai đoạn tiếp theo thực hiện chiến lược bắt đầu từ năm 2017-2020.
Ông Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, lễ ký Biên bản hợp tác lần này giữa Bộ Công Thương, Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan và Dự án Hỗ trợ Chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu là bước khởi đầu quan trọng, tiếp đà cho các hoạt động của các giai đoạn tiếp theo, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành thực phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thực phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới./.