Nông sản xanh-sạch của Bình Thuận tìm đường ra thị trường lớn
VOV.VN - Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Thuận vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vừa cho ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tỉnh Bình Thuận là địa phương chịu ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu, khó khăn về nguồn nước tưới nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, hiện tỉnh có một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vừa cho ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sau khi thành công với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở quận 9, TPHCM, Công ty Nông trang Eden (Eden Farm) đã tìm đến xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận để mở rộng và phát triển mô hình này. Do nắm được đặc điểm sinh học của cây dưa lưới và khảo sát kỹ điều kiện tự nhiên, nhất là khí hậu tại Bình Thuận, công ty này mạnh dạn đầu tư khá lớn cho cây dưa lưới tại đây.
Anh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Eden Farm cho biết, doanh nghiệp đã xây dựng 4 nhà màng với hệ thống cảm biến nhiệt tự động, hệ thống quạt đối lưu cùng 2 hồ tích trữ nước vào mùa nắng hạn...với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng. Cùng với đó, nông trại sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarel, đảm bảo đủ nước cho cây dưa trong 2 tháng trời nắng hạn.
Hiện sản phẩm dưa lưới thương hiệu Eden Farm đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn trong nước như: Big C, Co.op Mart, Lotte Mart…Eden Farm cũng đang xúc tiến việc tìm thị trường xuất khẩu, đồng thời đa dạng hóa nông sản nhiệt đới như cà chua cherry, dưa leo baby, dưa hấu không hạt, dưa lê. Anh Đức cũng mong muốn được hỗ trợ nông dân Bình Thuận về kỹ thuật trồng và đầu ra cho sản phẩm, để có vùng nguyên liệu đón đầu các hợp đồng xuất khẩu trong thời gian tới.
“Chúng tôi mong muốn liên kết, thu hút các nông hộ, nhà đầu tư, đối tác hợp tác trồng. Mình sẽ thi công trang trại, hướng dẫn họ trồng rồi bao tiêu sản phẩm. Còn nếu họ có diện tích trồng từ 5000m2 trở lên thì mình hỗ trợ đánh giá Global GAP cho đối tác dưới thương hiệu Eden Farm. Mình mong muốn có vùng nguyên liệu lớn để mình đi làm việc với các đối tác xuất khẩu và đủ sản phẩm cung cấp cho các đối tác thân thiết với mình”, anh Đức nói.
Mô hình trồng dưa lưới và cách làm của Eden Farm đang được địa phương kỳ vọng sẽ hỗ trợ hiệu quả cho nông dân và nhất là góp phần đưa nông sản sạch của Bình Thuận ra thị trường thế giới.
Ông Phạm Công Bá, Phó trưởng Phòng Chuyển giao kỹ thuật và Thông tin huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cho biết, đây không phải là mô hình dưa lưới đầu tiên tại Bình Thuận nhưng là nơi đầu tiên sản xuất ra dưa lưới đạt tiêu chuẩn Global GAP.
“Hiện nay sản phẩm đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP, điều này mở cánh cửa tiêu thụ sản phẩm an toàn, sạch. Có thể nói trang trại dưa lưới ở Thuận Hòa là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiên phong tại Bình Thuận trong cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 hiện nay”, ông Bá khẳng định.
Tương tự như vậy, để nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng thị trường, Hợp tác xã dịch vụ- sản xuất thanh long Hàm Minh 30 tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam cũng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xây dựng tiêu chuẩn theo Viet Gap, Global GAP.
Bà Lê Phương Chi, Giám đốc Hợp tác xã này cho biết, người trồng thanh long luôn đối mặt với điệp khúc “được mùa mất giá– được giá mất mùa”. Đó là do thanh long Bình Thuận chủ yếu bán qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Bà Chi từng đích thân đi sang Trung Quốc, tham dự Hội chợ trái cây do Hiệp hội trái cây Trung Quốc tổ chức, rồi tìm cách tiếp cận đường chính ngạch cho thanh long nhưng rồi cũng không thành.
Vì vậy, EVFTA là cơ hội mới cho nông sản “xanh – sạch” của Bình Thuận vươn ra thị trường lớn. Và để làm được điều này, ngoài việc sản xuất thanh long sạch theo chuẩn Global GAP, hợp tác xã đang tìm đến các công ty xuất khẩu nông sản có tiềm lực về tài chính để liên kết bao tiêu sản phẩm cho xã viên.
“Những hộ tham gia làm theo quy trình Global GAP, làm hàng sạch để bán cho thị trường châu Âu, hộ nào làm được thì HTX kết nối với công ty đến mua trực tiếp cho bà con. Còn nếu giải quyết được cho thanh long Bình Thuận mình nói riêng và Việt Nam nói chung ra thị trường châu Âu, thì cần phải có sự tham gia của các ban ngành từ Trung ương, chứ làm ăn riêng nhỏ lẻ thì không có khả năng”, bà Chi chia sẻ.
Thời gian qua, sản phẩm thanh long của Hợp tác xã Dịch vụ- sản xuất thanh long Hàm Minh 30, dưa lưới Eden Farm đã khẳng định được vị thế của mình tại các siêu thị lớn trong nước và một số thị trường ngoài nước như Hàn Quốc, Đài Loan…
Hiện nay, với việc củng cố các tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...các sản phẩm này hoàn toàn có thế đáp ứng nhu của thị trường Châu Âu.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận khẳng định, với EVFTA, nhất định nông sản đạt chuẩn Global GAP của Bình Thuận sẽ sớm có mặt ở thị trường Châu Âu.
“Vùng này đảm bảo an toàn sinh học và được chứng nhận quốc tế, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều công việc từ đầu năm 2019 và dự kiến là cuối 2020 đầu 2021 chúng tôi từng bước mời chuyên gia của EU đến đánh giá. Từ đó có định hướng cụ thể, tiếp tục cùng doanh nghiệp đưa nông sản xuất khẩu”, ông Tấn khẳng định.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng đất khô hạn như Bình Thuận. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm được nguồn nước tưới và hướng tới sản phẩm “xanh-sạch” đạt chuẩn Viet GAP, Global GAP là xu thế tất yếu. Nhu cầu nông sản sạch của thị trường trong và ngoài nước là rất lớn nên các hiệp định thương mại như EVFTA thực sự mở cánh cửa để nông sản Việt Nam ra thế giới./.