Nước mắm Phú Quốc lao đao vì nguồn cá cơm
(VOV) - Các doanh nghiệp nước mắm tại Phú Quốc đang gặp khó vì nguồn nguyên liệu cá cơm bị tranh mua tranh bán.
Thương hiệu nước mắm nổi tiếng của đảo ngọc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang gặp khó khăn do 2 tháng nay, các nhà thùng trên huyện đảo không mua được cá cơm – nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm, hoặc phải mua nguyên liệu với giá cao gấp 3 lần so với trước. Mặc dù những ngày gần đây, tình hình này có dấu hiệu chững lại nhưng nỗi lo của các nhà thùng vẫn chưa hết.
Mặc dù thời điểm hiện nay giá cá cơm đã giảm, còn từ 10 – 14.000đ/kg so với thời điểm cách đây 2 tháng nhưng nhiều nhà thùng trên huyện đảo cũng rất khó mua được nguyên liệu.
Cách đây 2 tháng, các thương lái nước ngoài tranh nhau mua nguyên liệu và đẩy giá lên cao, từ 14.000 – 20.000 đồng/kg, gấp hơn 3 lần so với trước. Khi giá cá cơm tươi giảm, các chủ tàu đánh bắt chuyển sang bán cá muối.
Hiện nhiều cơ sở sản xuất nước mắm ở các tỉnh ĐBSCL như Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long cũng đến Phú Quốc thu gom nguyên liệu cá cơm muối với gía từ 9.000 – 10.000đ/kg khiến các nhà thùng tại địa phương vất vả trong cuộc cạnh tranh này.
Ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Chủ doanh nghiệp sản xuất nước mắm Hớn Hưng ở thị trấn An Thới lo lắng: “Hiện nay đa số doanh nghiệp sản xuất nước mắm đều phải vay tiền từ ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Do lãi suất cao nên riêng phần lãi vay ngân hàng đã chiếm đến 20% lợi nhuận. Nếu tình trạng thiếu nguyên liệu, nguyên liệu tăng giá còn tái diễn, giá nước mắm sẽ tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ”.
Ở Phú Quốc hiện có hơn 100 doanh nghiệp làm nước mắm, trong đó có 86 doanh nghiệp hội viên cho tổng sản lượng khoảng 30 triệu lít/năm. Nhưng cả tháng nay, lượng cá cơm mà các nhà thùng mua được chỉ khoảng 20% so với nhu cầu. Chưa năm nào các cơ sở sản xuất nước mắm Phú Quốc gặp phải tình trạng khó khăn như lúc này.
Vào lúc cao điểm, mỗi ngày có cả trăm ghe thuyền ra thu mua nguyên liệu ngay trên biển để bán cho thương nhân Trung Quốc. Các cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc khi mua nguyên liệu cá cơm đều phải chịu 5% thuế đầu vào, nhưng với tình trạnh tranh mua tranh bán trên biển như hiện nay, không những nhà nước thất thu mà các doanh nghiệp tại địa phương cũng khó cạnh tranh mua nguyên liệu cá cơm.
Bà Hồ Kim Liên, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Khải Hoàn, sản xuất 5 triệu lít/năm cho biết, nếu làng nghề truyền thống sản xuất nước mắm mất đi sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về lao động và mất đi đặc sản nổi tiếng của Phú Quốc.
Tình trạng khan hiếm nguyên liệu cá cơm không chỉ khiến hoạt động sản xuất của nhiều cơ sở nước mắm bị đình trệ mà các doanh nghiệp đã lỡ ký hợp đồng với đối tác trong và ngoài nước còn đối diện trước nguy cơ phá sản do phải bồi thường hợp đồng vì không giao sản phẩm đúng hạn.
Bà Nguyễn Thị Tịnh – Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc cho rằng, cần phải xét lại việc kinh doanh của nhưng người mua cá tươi rồi hấp bán cho trung quốc, sau đó là xem xét việc bình ổn giá. Đề nghị tỉnh có nguồn vốn hỗ trợ bình ổn giá cho doanh nghiệp.
Hội Nước mắm Phú Quốc đã họp và có văn bản đề xuất 3 kiến nghị bức xúc đến các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh để xem xét giải quyết. Trong đó, Hội đề nghị tỉnh Kiên Giang cần phải có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất nước mắm ở Phú Quốc để bình ổn giá, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt và giữ vững làng nghề truyền thống này.
Nước mắm Phú Quốc vừa được EU công nhận có tên gọi xuất xứ trên toàn lãnh thổ các nước thuộc EU. Đây là một tin vui, song trước việc nguyên liệu đầu vào đang bị khan hiếm và cạnh tranh thiếu lành mạnh như hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp làm nghề truyền thống này trên huyện đảo gặp khó khăn.
Do vậy, rất cần các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương sớm có các biện pháp để hỗ trợ các nhà thùng trên huyện đảo, ổn định nguyên liệu sản xuất; nâng cao uy tín và thương hiệu nước mắm Phú Quốc./.