Nuôi cá Koi, thanh niên phố núi kiếm tiền tỷ mỗi năm
VOV.VN - Trên vùng cao nguyên nhưng chàng thanh niên Phạm Thế Hùng 25 tuổi, ở xã Cư Né, huyện Krông Búk (Đắk Lắk) lại thành công với mô hình nuôi cá Koi Nhật Bản. Hiện anh có 3 trang trại nuôi cá Koi rộng hàng nghìn m2, cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm.
Nói về chuyện khởi nghiệp, Phạm Thế Hùng, ở xã Cư Né, huyện Krông Búk, kể, sau khi tốt nghiệp THPT vào năm 2015, thay vì đi đại học, em chọn học nghề sửa xe máy rồi về mở tiệm tại nhà. Có sở thích đặc biệt với cá Koi Nhật bản, những lúc rảnh rỗi, em thường lên mạng internet tìm hiểu về nghề nuôi cá, rồi liều bán chiếc xe máy của mình để mua cá giống về nuôi. Do không có kinh nghiệm, 2 lứa cá ban đầu đều chết sạch.
Không nản chí, Hùng đã tới các cơ sở nuôi cá ở TP.HCM, Đồng Nai… để học hỏi kinh nghiệm thực tế. Có vốn kiến thức cần thiết, anh nghỉ hẳn nghề sửa xe, thuyết phục bố mẹ vay ngân hàng 120 triệu đồng đầu tư hệ thống bể nuôi cá Koi. Lần này, trời không phụ lòng người, số cá sinh trưởng tốt và sinh sản đều.
Anh Phạm Thế Hùng cho hay, để nuôi cá Koi thành công, mấu chốt ở môi trường nước phải sạch sẽ, khu vực đặt bể cao ráo và có khoảng trống cho gió lùa qua; đặc biệt phải phòng chống bệnh nấm mang trên đàn cá. Sau mấy năm khởi nghiệp, hiện anh có 3 trang trại cá rộng 12.000 m2 ở các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum và Lâm Đồng.
“Hiện tại tôi xuất đều đều mỗi tháng từ 5 tạ đến 1 tấn cá, trừ các khoản chi phí đầu tư thì còn lãi khoảng 50 – 100 triệu đồng/tháng. Dự tính thời gian tới, em sẽ làm thêm mảng thiết kế sân vườn, bể cá Koi với tiểu cảnh, làm quán cà phê cá Koi để khách họ đến thăm quan, và nếu đặt hàng thì làm luôn để tăng lợi nhuận. Thi công các công trình hồ cá, sân vườn” - anh Phạm Thế Hùng chia sẻ.
Từ thành công của mình, hiện Phạm Thế Hùng không chỉ tạo việc làm cho các thanh niên địa phương, mà sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ cho các bạn trẻ muốn làm theo mình.
“Làm với anh Hùng thì anh trả lương 4 – 5 triệu một tháng. Tôi đang đầu tư làm bể, mái và hệ thống sục nước… cuối tháng 4/2022 này sẽ khai trương cửa tiệm cá Koi của mình. Tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu đồng và tôi có vay của bố mẹ khoảng 70 triệu, số còn lại anh Hùng cho vay không tính lãi. Nếu thiếu vốn nữa anh ấy cam kết sẽ bán chịu cá giống và cám cho cá ăn, có thể trả dần sau cũng được” - anh Nguyễn An Khánh, ở thôn Katy 5, xã Cư Né, huyện Krông Búk nói.
Theo anh Võ Minh Cường – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Krông Búk, nuôi cá Koi là một hướng đi rất mới trên vùng cao nguyên nhưng đã đạt những thành công nhất định. Điều này góp phần tạo động lực cho tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của nhiều thanh niên địa phương.
“Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp huyện Krông Búk đang xây dựng nhiều mô hình hay các cơ sở cá Koi Đắk Lắk do Phạm Thế Hùng hỗ trợ. Qua đó, góp phần dạy nghề miễn phí và tư vấn thành lập hướng nghiệp cho các hội viên khác. Từ đây, chúng tôi có thể xây dựng các câu lạc bộ hay lớn hơn là quy mô hợp tác xã với ngành nghề mới, tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương cũng như thu nhập để hỗ trợ gia đình các bạn trẻ” - anh Võ Minh Cường cho biết./.