Ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên số một
Tốc độ tăng trưởng kinh tế dù không đạt kế hoạch, nhưng đang có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện phát triển ổn định trong các năm sau.
Kinh tế đang chuyển mình
Với xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV đạt cao hơn 3 quý đầu năm và cả năm ước tăng khoảng 5,2% (kế hoạch là 6-6,5%), trong đó: giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5%; khu vực dịch vụ tăng 6,3%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù không đạt kế hoạch đề ra, nhưng xét về động thái đang có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển ổn định trong các năm sau.
Phân tích sâu hơn về chất lượng tăng trưởng những tháng qua, Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nói rất rõ, xét về hình thức quý sau cao hơn quý trước “nhưng chất lượng tăng trưởng và niềm tin thị trường là vấn đề rất lớn. Điều này cho thấy, chúng ta đang gặp khó khăn trong việc xử lý tình thế, xử lý vấn đề cục bộ tăng trưởng nhưng lại phải tính toán lồng ghép cho được những giải pháp mang tính tái cơ cấu. Nếu không chúng ta sẽ loay hoay mãi mà không làm được.” - đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) chia sẻ với báo chí.
Theo đại biểu Trần Du Lịch: “Từ nay đến hết năm, chúng ta không nên để các chính sách tác động xấu đến thị trường, có thể điều chỉnh chậm lại, nhất là một số loại giá cơ bản. Ví dụ như giá điện, hiện nay chúng ta đang điều chỉnh theo kiểu nửa thị trường và nửa không thị trường là điều cần phải xem xét” – đại biểu Lịch nói.
Chia sẻ cách nhìn nhận về nền kinh tế, đại biểu Hà Sỹ Đồng- Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị- Ủy viên UB Tài chính ngân sách của Quốc hội khẳng định: “Năm nay vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng khó khăn chung của khu vực và thế giới. Việt Nam đạt được cơ bản thành tựu kinh tế, giữ vững an ninh chính trị là sự rất cố gắng. Tuy nhiên, 5 chỉ tiêu quan trọng trong đó có tăng trưởng kinh tế không đạt được do điều kiện kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp phá sản không tiếp cận được nguồn vốn để hoạt động dẫn tới tăng trưởng kém, người lao động mất việc làm”.
Từ những phân tích, nhận định trên, theo ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch, bước vào năm 2013, chúng ta không nên đặt nặng vấn đề tăng trưởng GDP, mà quan trọng hơn, phải ổn định kinh tế vĩ mô và tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Muốn lấy lại được niềm tin, không thể thực hiện bằng các biện pháp chung chung, mà phải bằng những biện pháp cụ thể để doanh nghiệp định hướng đầu tư, xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh.
Giải pháp cho nợ xấu và hàng tồn kho
Nợ xấu và hàng tồn kho được coi là “cục máu đông” của nền kinh tế. Giải pháp đưa ra lúc này là phải phá tan được cục máu đông đó. Về vấn đề nợ xấu, đại biểu Trần Du Lịch đưa ra quan điểm của mình: “Một số ngân hàng thương mại phải nghĩ đến kiểu “cho vay nợ để đòi nợ”. Hiện có những doanh nghiệp có triển vọng phát triển kinh doanh nhưng chỉ vì nợ xấu mà ngân hàng không cho vay tiếp thì họ sẽ chết. Doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng đâu có đòi được nợ, vì vậy nên khoanh nợ, cho vay mới, vực họ dậy dần dần”.
Cũng theo ông Trần Du Lịch, hơn 202.000 tỷ đồng nợ xấu ngân hàng cần phải được xử lý bằng cách yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn này, chứ không được “chuyển giao” cho nền kinh tế. Hoặc như mục tiêu của Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, bình quân phải giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ 21.000 tỷ đồng thì phải thực hiện nghiêm túc, tắc khâu nào phải tìm cách tháo gỡ ngay.
Ngoài ra, theo ông Lịch, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn như hiện nay. Nhưng cũng trong bối cảnh này, tại sao khối doanh nghiệp FDI lại phát triển bình thường. Kể cả xuất khẩu, ngay cả cạnh tranh thị trường nội địa thì khối doanh nghiệp này cũng vẫn tiến triển tốt, trong khi đó xuất khẩu của ta lại kém đi. Phải chăng vì họ làm ăn căn cơ hơn, bài bản hơn, họ dựa vào vốn chủ sở hữu nhiều hơn, còn ta dựa vào vốn vay ngân hàng là chủ yếu? Chính vì vậy, chúng ta phải chấp nhận một bộ phận doanh nghiệp do thị trường tự điều tiết.
Còn theo đánh giá của đại biểu Hà Sỹ Đồng, nói tái cấu trúc ngân hàng để doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng thực ra vừa rồi ta chưa làm mạnh, chưa quyết liệt. Tái cấu trúc ngân hàng cần có những giải pháp quyết liệt hơn như thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn và giúp các doanh nghiệp khó khăn đang bên bờ phá sản, từ đó phát triển… “Để làm được thì cần rà soát doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở mức độ như thế nào để từng địa phương, từng ngành, hiệp hội rà soát lại để doanh nghiệp giải quyết nhiều việc, tiêu thụ hàng hóa nông lâm sản, nhất là các doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa cần có những hỗ trợ mạnh hơn, tích cực hơn để các loại hình này sống lại và giải quết việc làm, tăng nghĩa vụ nộp ngân sách, tiêu thụ hàng hóa sản phẩm” – ông Hà Sỹ Đồng nói.
Thực tế, theo đại biểu Trần Du Lịch, nguồn Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ doanh nghiệp một mức nào đó thôi. Bởi với tình hình hiện nay, Nhà nước không thể làm nhiều hơn được mà chính thị trường lại điều tiết./.