Ổn định tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu
Theo các chuyên gia tài chính thời điểm này là thích hợp để NHNN điều chỉnh tỷ giá USD/VND theo hướng giảm giá đồng tiền Việt Nam nhằm hỗ trợ xuất khẩu.
Bán vào EU chững lại
Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty Thủy sản Sông Tiền (Sotico) cho hay, đồng EUR giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong 12 năm qua đang gây ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) này, bởi Sotico chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU.
Theo bà Ánh, từ ngày 13/3 tới nay, việc giao hàng của công ty đang chựng lại do phía đối tác yêu cầu giảm giá sản phẩm từ 7-8 cent/kg. Lý do đưa ra là giá đồng EUR đang giảm mạnh.
Trong khi đó, ở ngành hàng da giày, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh (SLA) cũng cho biết, 1/3 lượng hàng hóa của các DN thành viên SLA đang bán vào thị trường EU nên sẽ xảy ra hai trường hợp. Thứ nhất, nếu DN xuất khẩu thu ngoại tệ bằng EUR khi đổi ra USD sẽ chịu thiệt về tỷ giá. Thứ hai, nếu DN đang thanh toán bằng USD, khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá. Nếu DN đồng ý giảm thì việc đàm phán lại giá bán khi EUR lên giá trở lại sẽ khó khăn. Vì thế, việc xuất khẩu vào thị trường EU đang có dấu hiệu chững lại.
Thực tế này cũng đang gây trở ngại cho dòng tiền ở một số DN dệt may tại tỉnh Đồng Nai. Theo một DN có trụ sở tại phường Tân Hòa, TP. Biên Hòa, mặc dù hầu hết các công ty nhận hàng gia công đều đã ký hợp đồng từ tháng 9, 10/2014, nhưng do giá đồng EUR sụt giảm trong khi việc thanh toán chủ yếu bằng đồng USD nên đã xuất hiện nhiều trường hợp khách hàng xin lùi thời hạn thanh toán để kỳ vọng giá đồng EUR tăng lên.
Bên cạnh đó, việc ký kết hợp đồng mới cũng đang được các công ty ở khu vực này khá thận trọng, vì e ngại ký kết trong thời điểm này sẽ phải bù lỗ khi đồng EUR tăng trở lại.
Phá giá VND là chưa cần thiết
Trên góc độ phân tích kỹ thuật, nhiều chuyên gia ngành tài chính cho rằng, thời điểm này là thích hợp để NHNN điều chỉnh tỷ giá USD/VND theo hướng giảm giá đồng tiền Việt Nam nhằm hỗ trợ xuất khẩu.
Những phân tích ủng hộ quan điểm này đều cho rằng, do chính sách tỷ giá đang được NHNN “neo” theo đồng USD, đặc biệt cam kết biên độ tăng giảm không quá 2% trong năm nay, vì thế khi “đồng bạc xanh” lên giá mà tỷ giá hối đoái danh nghĩa giữa USD/VND không thay đổi thì đồng nghĩa VND cũng bị lên giá so với các đồng tiền khác. Việc này không làm cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đắt lên, nhưng nó lại làm cho giá hàng hóa từ các đối thủ cạnh tranh với DN Việt Nam trở lên rẻ hơn so với hàng Việt.
Riêng với đồng EUR, do động thái tung ra gói kích cầu trị giá hàng nghìn tỷ EUR của Ngân hàng Trung ương châu Âu khiến đồng tiền chung này giảm giá sâu so với cả USD và các đồng tiền mạnh khác. Sự sụt giảm của đồng EUR sẽ gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của các DN Việt Nam vào EU vì giá bán hàng hóa của Việt Nam vào khu vực này sẽ đắt hơn so với các nước khác.
Điển hình như, linh kiện điện tử hay giày dép Việt Nam trở nên đắt hơn so với cùng mặt hàng được sản xuất tại Indonesia hay Philippines là những nước áp dụng chính sách tỷ giá hối đoái thả nổi.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận từ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực hiện nay thì kiến nghị phá giá tiền đồng chưa hẳn đã là giải pháp mang tính ưu việt.
Nhìn vào “bảng tổng sắp” các ngành hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch trên 7 tỷ USD trong năm 2014 có thể thấy, trong tổng số 24,08 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và các linh kiện thì UAE, Mỹ và các nước khu vực châu Á là những thị trường dẫn đầu với giá trị lần lượt là 3,12 tỷ USD, 1,1 tỷ USD và 3,8 tỷ USD (10 nước châu Á).
Thị trường châu Âu, với các quốc gia chủ yếu như Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha... thực tế chỉ chiếm khoảng 20% kim ngạch. Trong khi đó, ở ngành hàng dệt may, trong 3 tháng đầu năm 2015, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu chủ lực với kim ngạch hơn 926 triệu USD, tiếp theo đó là Nhật Bản với 242,03 triệu USD. Thị trường EU chỉ chiếm khoảng 10% kim ngạch dệt may và khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu da giày của các DN Việt.
Như vậy, nếu chưa tính đến các yếu tố tích cực từ việc ổn định tỷ giá USD/VND tác động đến lạm phát, nợ công, chỉ tính riêng việc hỗ trợ thị trường xuất khẩu thì đến thời điểm hiện nay việc ổn định và duy trì vị thế đồng VND vẫn đang mang lại cho DN nhiều thuận lợi hơn. Bởi tỷ giá VND so với các đồng tiền mạnh khác vẫn đang giúp DN xuất khẩu có thể tính toán được giá thành so với giá bán sản phẩm ở các thị trường chủ lực mà không phải quá gồng mình “mua đắt, bán rẻ” khi phải dùng tiền đồng mua nguyên liệu rồi xuất khẩu với giá “bèo” vì VND trượt giá.
Nên tạo thói quen bảo hiểm tỷ giá
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh cho biết, để hạn chế rủi ro về tỷ giá trong việc xuất khẩu vào thị trường EU, các DN có thể chọn phương án mua bảo hiểm tỷ giá. Tuy nhiên, do chi phí mua bảo hiểm cao nên thường DN ít mua. Có ý kiến là phải tính đến chuyện phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, nhưng theo tôi cần phải tính toán kỹ lưỡng, vì hiện nay ngoài xét trên toàn cục thì xuất khẩu sang thị trường EU chỉ khoảng 30%, còn lại lớn nhất vẫn là thị trường châu Á./.