Ổn định vùng điều nguyên liệu: Giải bài toán khó!

(VOV) - Diện tích và sản lượng điều sụt giảm đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp chế biến điều.  

Năm 2013, người trồng điều ở tỉnh Bình Phước - thủ phủ điều của cả nước - lại đối diện với cảnh rớt giá, thất mùa. Nông dân đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, còn ngành chức năng lại lo ngại tình trạng nông dân chặt bỏ cây điều để thay thế bằng những cây trồng khác như những năm qua sẽ lại tái diễn. Việc ổn định vùng nguyên liệu là cơ sở để ngành điều phát triển, nhưng xem ra đang là bài toán khó ở Bình Phước.

Là nông dân sản xuất giỏi, từng được mệnh danh là “ông vua trồng điều” của thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, nhưng vụ điều năm nay, ông Trần Vinh cũng không tránh khỏi cảnh thất mùa. Đến giữa mùa vụ, 20 ha điều 13 năm tuổi của gia đình ông mới chỉ cho thu được 800 kg.

Các cơ sở, nhà máy chế biến điều tại Bình Phước đang cần nguồn nguyên liệu rất lớn. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Ông Vinh cho biết, cũng như những vụ trước, gia đình ông thực hiện rất bài bản quy trình chăm sóc. Từ việc bón phân, tỉa cành, phát cỏ cho tới việc phun xịt thuốc kích thích dưỡng bông, đậu trái. Nhưng năm nay, ông không hiểu nguyên nhân gì khiến toàn bộ diện tích điều của gia đình mình đều trong tình trạng bông ra đến đâu thì đều bị khô héo đến đó. Năng suất thấp nhất, gần như mất trắng vụ điều này.

“20 ha điều những năm trước đây có thể thu hoạch vài chục tấn, trừ chi phí còn lãi từ 400 - 500 triệu đồng. Nhưng năm nay tổng cộng sản lượng điều chưa thu nổi 1 tấn. Nếu cứ như thế này thì việc trồng điều sẽ không hiệu quả, có thể tôi sẽ chuyển đổi cây trồng khác” - ông Trần Vinh nói.

Nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác đang là nỗi lo canh cánh của các cơ quan chức năng cũng như không ít doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều của tỉnh. Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Bình Phước, hiện nay toàn tỉnh có gần 200 cơ sở, nhà máy chế biến, với công suất chế biến từ 90 - 3.000 tấn/năm, nên cần một nguồn nguyên liệu rất lớn.

Thế nhưng, sản lượng điều trên địa bàn tỉnh không tăng lên mà còn có chiều hướng giảm do mất mùa và diện tích điều sụt giảm. Nếu như lúc cao điểm, toàn tỉnh có khoảng 170.000 ha điều thì hiện nay chỉ còn hơn 143.000 ha.

Năm 2012, sản lượng điều của tỉnh là trên 149.000 tấn, giảm gần 1.000 tấn so với năm 2011. Với tình trạng thất mùa, giá thấp như năm nay, khả năng diện tích điều tiếp tục giảm là có thể thấy được. Và chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp chế biến điều.  

Ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty điều Phúc An, thị xã Phước Long cho biết, muốn phát triển ngành điều thì phải phát triển cây điều, không thể nhập nguyên liệu vì chứa đựng nhiều rủi ro. Chúng ta có đất, có nhân công, thậm chí có vốn thì rất nên phát triển cây điều.

Mặc dù được ghi nhận là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD trong năm 2012, nhưng ngành điều đang cho thấy sự bất ổn và phát triển thiếu bền vững.

Hiện nay, 50% nguyên liệu cho chế biến điều của Việt Nam là nhập khẩu từ châu Phi và một số vùng khác. Hình thức mua bán chủ yếu qua hợp đồng, chất lượng hạt điều nhập khẩu hoàn toàn phụ thuộc, giá cả bấp bênh. Do đó, nhập nguyên liệu điều thô về để sản xuất chưa bao giờ là giải pháp bền vững.

Diện tích và sản lượng đều giảm, nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Cũng như nhiều mặt hàng nông sản, để phát triển bền vững, thì ngành điều phải ổn định diện tích vùng nguyên liệu và có những chính sách hợp lý.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho rằng, Hiệp hội sẽ xây dựng đề án phát triển ngành điều Việt Nam bền vững, giai đoạn từ nay cho tới năm 2020 và tầm nhìn 2030 cũng như là xây dựng vùng điều cao sản 200.000 ha ở Bình Phước và Đồng Nai như kết luận của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT.

Việc ổn định được vùng nguyên liệu không chỉ có lợi cho người trồng điều mà còn có lợi cho doanh nghiệp. Qua sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp điều đều nhận thấy, nếu chủ động được nguồn nguyên liệu, sẽ chủ động được đầu ra. Một khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển, người trồng điều cũng sẽ ổn định được sản xuất, nâng cao đời sống.

Thế nhưng ổn định vùng nguyên liệu trong bối cảnh năng suất điều giảm, giá thu mua thấp như hiện nay quả là một bài toán khó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xuất khẩu nhân hạt điều đạt kim ngạch hơn 528 triệu USD
Xuất khẩu nhân hạt điều đạt kim ngạch hơn 528 triệu USD

Thị trường xuất nhập khẩu hạt điều những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp trong nước đang đẩy mạnh thu mua phục vụ cho xuất khẩu nhưng tháng cuối năm.

Xuất khẩu nhân hạt điều đạt kim ngạch hơn 528 triệu USD

Xuất khẩu nhân hạt điều đạt kim ngạch hơn 528 triệu USD

Thị trường xuất nhập khẩu hạt điều những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp trong nước đang đẩy mạnh thu mua phục vụ cho xuất khẩu nhưng tháng cuối năm.

Tăng cường kích cầu tiêu dùng hạt điều
Tăng cường kích cầu tiêu dùng hạt điều

Các nhà sản xuất ngành điều cần có chiến dịch quảng bá thương hiệu và giá trị dinh dưỡng của hạt điều đối với đời sống người dân.

Tăng cường kích cầu tiêu dùng hạt điều

Tăng cường kích cầu tiêu dùng hạt điều

Các nhà sản xuất ngành điều cần có chiến dịch quảng bá thương hiệu và giá trị dinh dưỡng của hạt điều đối với đời sống người dân.