“Ông trùm” bơ sáp Mã Dưỡng và doanh thu 2 tỷ đồng mỗi năm
Bơ sáp Mã Dưỡng là một trong số ít những giống bơ ở Việt Nam có thương hiệu và được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.
Ở vùng đất Đồng Tiến khô hạn, nắng nóng quanh năm, ít ai nghĩ sẽ phù hợp với cây bơ. Vậy mà ông đã làm được. Sản phẩm của "ông trùm" bơ sáp Mã Dưỡng là một trong số ít những giống bơ ở Việt Nam có thương hiệu và được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.
Ông Dương Mã Dưỡng (trái) trong một lần đưa giống bơ sáp đi giới thiệu ở hội chợ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước |
Ông là Dương Mã Dưỡng, ngụ thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước. Thương hiệu bơ sáp Mã Dưỡng được đặt theo tên ông -người nông dân có hơn 20 năm gây dựng giống bơ thơm ngon, trái bự, vỏ bóng loáng này.
“Đã nghèo mà còn trồng bơ!”
Đó là “câu chửi” ông nghe đi nghe lại đến nhàm tai hơn 20 năm về trước. Nhưng cũng từ “câu chửi” này, sự quyết tâm gây dựng sự nghiệp với vườn bơ được ông hun đúc mạnh mẽ.
Chuyện của ông bắt đầu từ giữa những năm 1990, một người bạn làm ở Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tặng ông một giỏ quýt giống mới, đáp lại, ông ra vườn hái vài quả bơ, vốn được trồng tự nhiên trong vườn, gửi tặng bạn.
Người bạn nhận bơ, ăn thấy “ngon đến lạ”. Vốn có chút kiến thức về nông nghiệp, người này khuyến khích ông Dưỡng nhân rộng giống bơ quý. Từ đó, ông Dưỡng mới để ý và nhận ra cây bơ to sụ ở góc vườn lúc nào cũng sai trĩu quả, trái to, bóng mượt dù ông không chăm sóc gì nhiều.
Nghe lời bạn, ông Dưỡng bắt đầu giâm cành, nhân giống bơ để trồng thử. Những năm 1995 - 1996, khi vườn cà phê và tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã trưởng thành, ông Dưỡng đầu tư mạnh mẽ vào vườn bơ.
Thời điểm này, cái nghèo, cái đói vẫn phủ khắp làng trên xóm dưới, đến gạo ăn còn thiếu huống gì những thứ xa xỉ hơn như đường, sữa, trái cây… Thế nên, khi thấy ông Dưỡng tối mặt tối mũi chăm vườn bơ, nhiều người đã mỉa mai rằng, “đã nghèo mà còn trồng bơ”, rồi thì “kiếm đâu ra đường với sữa mà ăn với bơ?”…
Lúc đó, ông Dưỡng cũng đã nghĩ tới cảnh trồng ra bơ mà không ai mua vì không có đường với sữa. Có lúc, ông muốn bỏ cuộc. Thế nhưng, nhờ sự động viên của gia đình và người em trai Dương Nhục Sáng, hai anh em ông tiếp tục theo đuổi giấc mơ bơ sáp.
Ba năm sau khi trồng, những cây bơ giống đầu tiên này cho năng suất rất cao, trái lớn và mã rất đẹp. Ông Dưỡng biết mình đã đúng khi đặt niềm tin vào cây bơ mẹ nơi góc vườn.
Nhọc nhằn học ghép giống bơ
Khi nhìn những cây bơ trong vườn phát triển mạnh, cho trái sai trĩu cành và vườn giống cây nào cây nấy mập mạp, khỏe mạnh, mấy ai nghĩ rằng, ông Dưỡng đã rất nhiều lần thất bại khi ghép giống bơ.
Ông Dương Mã Dưỡng chăm sóc cây bơ sai trĩu quả trong vườn nhà |
Ban đầu, ông Dưỡng tìm hiểu cách ghép qua sách vở và trên mạng internet. Tuy nhiên, những chỉ dẫn này quá chung chung, sơ sài nên tỷ lệ cây sống sót thấp. Theo đó, lúc đầu ông cứ lấy đại mầm của cây mẹ (còn gọi là bo) để ghép. Nhiều lần thất bại, ông vừa xót cây mẹ, vừa lo sẽ không đủ giống cho kế hoạch nhân rộng vườn bơ.
Một lần, quá mong muốn được biết bí quyết ghép giống bơ bài bản ông quyết định khăn gói qua Thái Lan học tập. Nhờ đó, ông mới biết cách lấy bo ra sao, chọn mắt nào ghép để tăng tỷ lệ sống cho cây con... Hiện nay, tỷ lệ ghép thành công đã của ông đạt đến 97%.
Điều đặc biệt là hiện nay, trong khi giống bơ bán ngoài thị trường đa số cho ra hoa đơn tính, chủ yếu là hoa đực nên tỷ lệ thụ phấn rất thấp, thì cơ sở của ông lại cung cấp được bơ giống cho ra hoa lưỡng tính. Cây giống của ông cũng có tỷ lệ thụ phấn cao, đặc biệt trong những ngày mưa. Đó là điều mà ông Dưỡng rất tự hào, như thể đó là đứa con cưng lại còn luôn khiến ông hài lòng vậy.
Hiện mỗi năm, cơ sở của ông bán được trung bình 10.000 cây bơ giống, với giá bán 50.000 – 60.000 đồng một cây, ông thu về hơn 500 triệu đồng. Năm 2010, khi vườn cà phê và tiêu rộng 7ha ở Bình Phước liên tục mất giá, ông quyết định phá bỏ, cải tạo và đầu tư chuyên canh trồng bơ.
Ngoài ra, với hơn 300 gốc bơ trong vườn, mỗi gốc bơ nhà ông Mã Dưỡng cho thu hoạch từ 500 – 600kg. Mỗi trái nặng từ 700gr đến 1kg, mang lại cho ông nguồn doanh thu xấp xỉ 2 tỷ đồng.
“Mỗi cây bơ cho ra rất nhiều hoa và đậu nhiều quả nhưng tôi chỉ chọn lấy 10 trái khỏe mạnh nhất ở mỗi cành. Tôi cũng thường xuyên bón lót, sử dụng các loại phân bón vô cơ cho cây khỏe mạnh lâu dài” - ông Mã Dưỡng chia sẻ.
Đem bơ bỏ chợ, nên nghiệp lớn
Sau khi đã có vườn bơ sai trĩu quả, trái to, vừa dẻo vừa thơm lại nhỏ hạt, ông Mã Dưỡng vui niềm vui trúng mùa của người nông dân nhưng lại sớm lo lắng vì chưa có đầu ra cho sản phẩm.
Ông Dưỡng kể, ban đầu, hai cha con ông phải mang từng kg, gói từng trái ra chợ quê bán, rồi xuống TP.HCM bỏ mối. Ai kêu đâu bỏ đó. Ông cũng lặn lội đưa hàng ra tận Hà Nội để giới thiệu. Đi xa, khâu vận chuyển đối với trái bơ càng khó, nếu không cẩn thận, tỷ lệ hư hỏng, hao hụt sẽ rất lớn.
Vất vả là vậy, thế nhưng, việc thu tiền bán bơ lúc được lúc không. Ông Dưỡng nhiều năm liền mang bơ đi khắp nơi năn nỉ khách hàng ăn thử mà không mong thu về lợi nhuận. Có thời, lỗ quá, không chịu nổi, ông bỏ bê vườn bơ để đi buôn gỗ. Thế nhưng, nhớ vườn, nhớ nghề, ông lại quay về, cố tìm cách xoay xở.
Cùng với sự hỗ trợ của người em trai, thương hiệu bơ sáp Mã Dưỡng dần dần hình thành và lớn mạnh. Hiện nay, bơ sáp Mã Dưỡng đã có mặt trên các cửa hàng từ Bắc vào Nam, các hệ thống nhà hàng, khách sạn hạng sang, một số chuỗi phân phối trái cây cao cấp…
Ngoài ra, ông chuyển dần sang trồng theo tiêu chí xanh khi chỉ dùng phân hữu cơ và thuốc sinh học để chăm sóc. Ông mua phân gà, phân bò kết hợp với bã cà phê, men phân hủy rồi tự ủ phân bón sinh học.
Mới đây, ông ký kết hợp tác với một doanh nghiệp Nhật Bản, cam kết thực hiện quy trình sản xuất an toàn, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Nhật. Với tiêu chuẩn này, giá bán mỗi kg bơ sáp Mã Dưỡng vào thị trường Nhật là 140.000 đồng, cao gần gấp đôi so với giá bán tại thị trường nội địa.
Ông Dương Mã Dưỡng cũng đang tìm đối tác, xây dựng nhà máy chế biến các thành phẩm khác từ trái bơ như tinh dầu bơ, trà bơ, phân bón sinh học… tại Lâm Đồng. Ông Dưỡng tự tin rằng, với hơn 14 loại vitamin trong thịt bơ, nhiều khoáng chất, tinh dầu trong hạt và lớp vỏ hạt… sẽ mang lại giá trị cao hơn nữa cho trái bơ Việt Nam./.
Việt Nam có nhiều loại trái cây “lạ đời”