OPEC kiên quyết cắt giảm sản lượng bất chấp sự phản đối của Iran
VOV.VN - Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho hay, Saudi Arabia, Kuwait và một số nước sẽ cắt giảm sản lượng ngay cả khi Iran bác bỏ đề xuất này.
Trong tuyên bố mới nhất, Saudi Arabia, Kuwait và nhóm nước đồng minh khẳng định sẽ vẫn tiếp tục thực thi kế hoạch giảm sản lượng dầu dù Iran tỏ thái độ bất hợp tác.
Theo đại diện Qatar, buổi họp bàn về giảm sản lượng dầu sẽ được tổ chức vào ngày 17/4 tới với sự tham dự của cả nhiều nước trong và ngoài OPEC.
Ngay sau khi có tin sản lượng dầu thô sẽ bị cắt giảm, giá dầu bất ngờ tăng mạnh trở lại bất chấp giá dầu đã hạ sâu trong mấy ngày trước đó bởi thông tin dự trữ năng lượng của Mỹ tăng cao trong bối cảnh nhu cầu chưa thực sự cải thiện.
Hiện tại giá dầu đã tăng được 47% so với mức đáy thiết lập vào giữa tháng 2. Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 tăng 2,12 USD/thùng, tương đương 5,8%, lên 38,46 USD/thùng.
Giá dầu được cải thiện sau khi các thành viên OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng |
Trong năm 2016, giá dầu đã có nhiều tuần giảm sâu và lập đáy 26,21 USD/thùng, gây rất nhiều áp lực tài chính lên ngân sách và kinh tế các nước xuất khẩu dầu lớn, trong đó có Kuwait – quốc gia phải đi vay hàng tỷ USD từ nước ngoài để bù đắp thiếu hụt ngân sách do giá dầu tụt dốc.
Giá dầu bắt đầu tăng từ khoảng sau thời điểm giữa tháng 2, sau khi Saudi Arabia - một trong những quốc gia có tiếng nói lớn nhất trong OPEC - cho biết nước này đã sẵn sàng hợp tác giảm sản lượng.
Trong những tuần sau đó, đến lượt Nga khẳng định nước này cũng chấp nhận thu hẹp bớt hoạt động sản xuất năng lượng vốn đã tăng trưởng nhanh chóng mặt trong suốt hai năm qua.
Ngoài ra, sản lượng dầu của Mỹ hiện cũng giảm xuống trung bình 9,07 triệu thùng dầu/ngày, thấp hơn một chút so với con số 9,08 triệu thùng dầu/ngày của tuần trước đó. Vào tháng 4 năm ngoái, sản lượng dầu của Mỹ đã có lúc lên mức cao kỷ lục 9,7 triệu thùng dầu/ngày.
Tuy nhiên, giới quan sát vẫn hoài nghi về tính hiệu quả của các biện pháp hợp tác cắt giảm sản lượng để “cứu” giá dầu của OPEC. Bởi theo họ, ngay khi OPEC và Nga hợp tác để đẩy tăng được giá dầu một chút, thì các công ty năng lượng Mỹ sẽ nhanh chóng tăng cường sản xuất để tranh thủ kiếm lời./.