PetroVietnam họp báo phản đối việc Trung Quốc gọi thầu phi pháp
Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu khẳng định việc mời thầu tại 9 lô nằm trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là trái công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển đồng thời đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia bỏ thầu.
- PVN yêu cầu huỷ bỏ mời thầu sai trái trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
- Trung Quốc mời thầu tại thềm lục địa Việt Nam là phi pháp
- Trung Quốc lại cử tàu vào Biển Đông của Việt Nam
Như tin đã đưa, chiều nay (27/6), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tổ chức họp báo về việc Trung Quốc mở thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) chủ trì buổi họp báo.
Đến dự buổi họp báo có đông đảo đại diện các hãng thông tấn báo chí trong nước và quốc tế:
** Báo Đầu Tư: PVN đang có hợp tác với những đối tác nào tại khu vực này?
Trong khu vực này PVN đã có 4 hợp đồng dầu khí với các đối tác và đang được triển khai: Công ty Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) tại Lô 128. Tập đoàn Gazprom (Nga) tại các Lô từ 129 đến 133. Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) tại các Lô từ 156 đến 158. Và Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (đơn vị thành viên của PVN) tại các Lô 148, 149.”
** Báo Tuổi trẻ: Các công ty Dầu khí nước ngoài khi đầu tư, hợp tác vào Việt Nam cần tuân thủ những quy định gì?
Hiện đã có trên 60 các công ty Dầu khí quốc tế, quốc gia đầu tư hợp tác với PVN.
Ngoài các điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam, các công ty nước ngoài phải đảm bảo về kinh nghiệm và nguồn lực cho các hoạt động dầu khí, đặc biệt là phải tuyệt đối tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; phù hợp với Luật pháp Việt Nam và Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển.
Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu trả lời báo chí |
Tổng giám đốc Petrovietnam cũng khẳng định, đây là khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. PVN và các đối tác sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động dầu khí phù hợp với các hợp đồng dầu khí đã ký và luật pháp của Việt Nam. PVN sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam bảo đảm cho các hoạt động này triển khai thuận lợi.
** Báo Thanh Niên, Tia Sáng: Sau khi có thông báo về việc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), PVN sẽ có giao thiệp gì với CNOOC về việc làm trên?”
- Việc làm này của CNOOC không chỉ vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà còn vi phạm thoả thuận giữa CNOOC và PVN. Chúng tôi sẽ sớm có văn bản phản đối chính thức gửi tới lãnh đạo CNOOC về việc này.
PVN đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia bỏ thầu.
** PV Một tờ báo của Nhật Bản: Kế hoạch của PVN với các đối tác nước ngoài có gì thay đổi?
- Không có kế hoạch nào của PVN bị ảnh hưởng bởi việc làm sai trái này của phía Trung Quốc.
Mọi kế hoạch với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vẫn diễn ra bình thường.
Trả lời câu hỏi của một phóng viên nước ngoài về việc PVN có kế hoạch như thế nào để làm yên lòng các nhà đầu tư tại các lô dầu khí này, ông Đỗ Văn Hậu một lần nữa khẳng định đây là khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. PVN và các đối tác sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động dầu khí phù hợp với các hợp đồng dầu khí đã ký và luật pháp của Việt Nam. PVN sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam bảo đảm cho các hoạt động này triển khai thuận lợi./.