Phải cải cách triệt để mới tận dụng được các cơ hội từ EVFTA
VOV.VN - Để tận dụng được các cơ hội từ EVFTA, cần quyết tâm cải cách thể chế, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Sau tròn một thập kỷ kể từ khi khởi động đàm phán và đi đến ký kết, phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.
Với rất nhiều các cam kết thương mại thông qua xóa bỏ thuế quan, EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ dài hạn giữa Việt Nam và EU, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó tăng cường thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo chuỗi cung ứng mới. Đặc biệt, trong bối cảnh đối phó với những thay đổi của đại dịch Covid-19, các nước đều đang trong quá trình nỗ lực để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.
Có thể điểm ra những con số biết nói về cơ hội cho Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, như: EU cam kết xóa bỏ ngay khoảng 85,6% số dòng thuế nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU và gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn sau 7 năm.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đó mới chỉ là cơ hội, để những con số đó trở thành hiện thực, yếu tố quyết định nằm ở quyết tâm cải cách thể chế để thực thi chủ động, hiệu quả Hiệp định EVFTA.
“Để Hiệp định EVFTA hay hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, yếu tố quyết định thành công chính là ở sự đổi mới thể chế trong nước. Chỉ có những đổi mới thể chế mạnh mẽ mới giúp nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp. Có như vậy mới tạo điều kiện cho chúng ta có thể cạnh tranh thành công trong thương trường toàn cầu. Tôi cho rằng, cải cách thể chế là yêu cầu quan trọng nhất… Thể chế nào thì doanh nghiệp đó, thể chế nào thì chuỗi giá trị kiểu đó. Nếu chúng ta có thể chế có chất lượng tốt hơn thì sẽ thu hút được công đoạn có giá trị cao hơn của các chuỗi giá trị toàn cầu. Còn nếu chất lượng thể chế không cao thì chúng ta cũng sẽ mãi chỉ dừng lại ở khâu gia công lắp ráp, chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và giá trị gia tăng không có lớn, cho nên cải cách thể chế là yêu cầu quan trọng nhất”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện thể chế và thị trường nông nghiệp cho rằng, các vấn đề về xã hội và môi trường là những thách thức rất mới và cũng là cơ hội rất mới trong các Hiệp định tự do thương mại thế hệ thứ 3 như CPTPP và EVFTA. Với một ngành nông nghiệp đa số là doanh nghiệp nhỏ, với hơn 10 triệu hộ nông dân nếu không hình thành được chuỗi liên kết đủ tiêu chuẩn từ sản xuất đến thị trường thì rất khó có thể đứng vững trên chính sân nhà.
TS Đặng Kim Sơn nêu quan điểm: “Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng lại toàn bộ - ít nhất là các mặt hàng chiến lược - những mặt hàng “tỷ đô” đó, phải xây dựng được các chuỗi giá trị, thành bại là vấn đề thể chế, chúng ta có vượt qua được thể chế hay không, xây dựng được các hiệp hội mạnh không, xây dựng được các HTX mạnh hay không, xây dựng được chuỗi giá trị mạnh hay không là yếu tố quyết định thắng lợi trong cuộc chiến này”.
Theo TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, khi EVFTA có hiệu lực, cơ hội các nhà đầu tư đến từ EU tham gia vào thị trường Việt Nam sẽ tăng cao, nếu không chủ động để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không chỉ khó tham gia vào thị trường xuất khẩu, mà còn khó trong thu hút lao động.
“Doanh nghiệp FDI của EU sẽ đầu tư cả về vốn, công nghệ, mở nhà máy, công xưởng tại Việt Nam.Việt Nam là địa điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư. Doanh nghiệp Việt Nam vướng ở chỗ, năng lực yếu hơn họ nên sẽ khó khăn. Như vậy, việc thu hút nguồn lao động mang tính chuyên nghiệp cao thì doanh nghiệp của họ chắc chắn tuyển lao động sẽ thuận lợi hơn chúng ta. Vậy nên DNNVV sẽ bị thiếu một nguồn lực lao động chính có tính chuyên nghiệp cao”, ông Nguyễn Văn Thân cho biết.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, EVFTA là một trong những Hiệp định thương mại tự do quan trọng nhất, sâu rộng nhất mà Việt Nam đã ký kết và cam kết tham gia. Đồng thời, Liên minh châu Âu cũng là một thị trường rất lớn mà từ trước đến nay vẫn là thị trường xuất khẩu thứ 3 của chúng ta. Vì vậy Việt Nam cần phải nhanh chóng hoàn thiện các quy định, quy tắc… để tận dụng cơ hội xuất khẩu sang EU.
“Vấn đề ở đây là các quy định về vệ sinh ATTP, các quy định về xuất xứ cũng như các quy định về thế nào là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam? Nếu như sản phẩm sản xuất tại Việt Nam nhưng giá trị gia tăng quá thấp và chúng ta nhập quá nhiều nguyên phụ liệu từ nước ngoài mà Việt Nam chủ yếu là lắp ráp thôi thì những điều đó sẽ không tận dụng được các cơ hội của thị trường EU. Tôi nghĩ, đây là thời cơ mà các hiệp hội của chúng ta cần ngồi lại với nhau và kết hợp với các ngân hàng, các doanh nghiệp để tăng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lê Đăng Doanh nói.
Có thể thấy, trong rất nhiều thách thức được chỉ ra khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có EVFTA, phải kể đến việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc của luật pháp quốc tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi, ban hành, cải cách pháp lý trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải hiểu luật, công tác quản trị trong doanh nghiệp phải được coi trọng, nâng cao và lao động làm ăn bài bản, có trình độ, kỹ năng./.