Phải quản lý chặt chẽ các nhà thầu nước ngoài

VOV.VN -Thực tế, nhiều nhà thầu quốc tế thuê lại các nhà thầu thiết kế trong nước với giá rất rẻ so với giá được giao.

Sáng nay (24/5), các đại biểu thảo luận tại Hội trường về Luật Xây dựng (sửa đổi). Các đại biểu tập trung vào nội dung thẩm định dự án đầu tư xây dựng, Giấy phép xây dựng và thanh tra, xử lý vi phạm xây dựng…

Nêu ý kiến về việc quản lý nhà thầu nước ngoài, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng, nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam tương đối nhiều, trong đó nhiều nhà thầu hiện nay không có năng lực thực hiện, không đảm bảo chất lượng kéo dài thời gian, không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan. Do đó, việc quản lý này rất cần thiết, nhằm đảm bảo chủ quyền của một quốc gia phù hợp với thông lệ quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã ký.

“Việc tổ chức đấu thầu theo Luật đấu thầu không có nghĩa chấm dứt sự quản lý của nhà nước đối với nhà thầu nước ngoài. Theo đó, nhà thầu nước ngoài cần được quản lý chặt chẽ hơn. Việc giải trình của Ủy ban thường vụ về vấn đề này tôi thấy chưa ổn, chỉ dừng ở khía cạnh là hoạt động xây dựng và hoạt động thiết kế, kiến trúc hay quy hoạch chưa bao quát hết”.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương đưa ra thực tế tình trạng các nhà thầu thiết kế hay quy hoạch sau khi được chọn hoặc trúng thầu hay qua thi tuyển, thuê lại các nhà thầu thiết kế trong nước với giá rất rẻ so với giá được giao. Theo đó, sản phẩm là của người trong nước, nhưng giá thành lại trả cho nước ngoài.

Về điều kiện, năng lực của chủ đầu tư, Đại biểu Trần Minh Diệu (đoàn Quảng Bình) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, trong đó có một nguyên nhân được nhận thấy rất rõ, đó là do năng lực và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhất là năng lực của chủ đầu tư ở các đơn vị, địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, những quy định nhằm hạn chế tình trạng nói trên chưa có.

Các tổ chức như Ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tổ chức đầu tư xây dựng, thi công, giám sát, quản lý chi phí đầu tư... đều có quy định cụ thể về điều kiện năng lực hoạt động. Riêng chủ đầu tư chỉ có quy định về quyền và nghĩa vụ, nhưng không có quy định nào về điều kiện, năng lực của chủ đầu tư. “Như vậy những hạn chế trong hoạt động xây dựng thuộc về năng lực của chủ đầu tư sẽ khó cải thiện” – đại biểu Trần Minh Diệu nói.

Tiền kiểm – nên giao cho cơ quan nào?

Một nội dung quan trọng khác được đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) nhắc tới là công tác tiền kiểm của các cơ quan chuyên môn của nhà nước, từ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, dự toán, đến nghiệm thu xây dựng của các công trình xây dựng sử dụng vốn của nhà nước. Nếu không quy định và làm tốt vấn đề này có thể có những công trình xây dựng sau khi hoàn thiện rồi mới bộc lộ những bất cập, khiếm khuyết, hạn chế rất khó sửa, mà nếu sửa thì rất tốn kém. Vì vậy quy định trách nhiệm kiểm soát của các cơ quan chuyên môn của nhà nước ngay từ đầu và trong suốt quá trình thi công xây dựng sẽ tránh được việc đầu tư lãng phí, thất thoát không hiệu quả, đồng thời góp phần đảm bảo tiến độ chất lượng và giá thành của công trình xây dựng.

“Để đầy đủ hơn ở nội dung này, tôi đề nghị phải bổ sung một khoản quy định trách nhiệm của cơ quan và của cá nhân cán bộ công chức nhà nước thực hiện nhiệm vụ tiền kiểm và chế tài xử lý nếu không hoàn thành nhiệm vụ này” – đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, về nội dung này, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) nêu băn khoăn: Thứ nhất là thiết kế cơ sở của mỗi dự án thuộc các nguồn vốn khác nhau đều phải thông qua cơ quan quản lý nhà nước thẩm định. Tuy nhiên, nếu dồn hết về cơ quan quản lý nhà nước thẩm định thì sẽ xảy ra một số vấn đề như: Thứ nhất, bộ máy nhà nước sẽ phình to ngược với chủ trương về cải cách hành chính. Thực tế hiện nay sau khi Nghị định 15 ra đời sở xây dựng các địa phương tuyển người quá nhiều nhưng vẫn chưa thực hiện đủ các dự án trên địa bàn của tỉnh mình. Thứ hai, nhà nước vẫn phải tiếp tục làm thay cho tổ chức xã hội nghề nghiệp. Thực tế, lực lượng nhà nước chưa đủ năng lực, kinh nghiệm để quán xuyến nhiều nội dung chuyên môn sâu như vấn đề vật liệu mới, công nghệ mới, kết cấu mới, yêu cầu mới, kiến trúc xanh bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng... Với thực tế này, theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương, “Chắc chắn chất lượng thẩm định sẽ có vấn đề, tình trạng làm khó, kéo dài thời gian thụ lý sẽ xảy ra. Mặt khác, ở cấp quận, huyện, nhất là vùng sâu, vùng xa lực lượng cán bộ công chức mỏng, chất lượng không cao cũng không thể kham nổi vấn đề này. Do vậy việc giao thì phải làm và làm với tính chất hình thức như vậy rất nguy hiểm vì đây là vấn đề mang tính chất kỹ thuật.”

Theo đó, đại biểu Trịnh Ngọc Phương kiến nghị chỉ những dự án sử dụng vốn có tính chất ngân sách nhà nước mới làm, còn các dự án vốn khác chỉ quản lý bằng quy hoạch giấy phép xây dựng và thực hiện công tác thanh tra xử lý vi phạm thật chặt chẽ. Nguyên tắc là vốn xã hội để cho xã hội, nhà nước chỉ quản lý bằng cơ chế, không nên thêm nhiều thủ tục.

Vấn đề bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng, theo quan điểm của đại biểu Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng) nên quy định trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động của nhà thầu thi công xây dựng công trình và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ 3 vì đây là lĩnh vực lao động có tính quy hiểm và rủi ro rất cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên