Phải xác định trách nhiệm bồi thường nếu đầu tư công không hiệu quả
VOV.VN - Trước đây, quyết định chủ trương đầu tư, đầu tư không hiệu quả… nhưng không xác định được ai chịu trách nhiệm.
Hôm nay (18/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật đầu tư công. Luật Đầu tư công đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 và tại kỳ họp thứ 7 này.
Xung quanh dự án Luật này, trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến, nhiều đại biểu cho rằng, các quy định chế tài xử lý vi phạm, bồi thường theo phân cách thẩm quyền và trách nhiệm cần phải rõ ràng.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng: “Cần quy định cụ thể tiêu chí và cách thức đánh giá hiệu quả đầu tư công, khó xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến `đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại”.
Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, tiêu chí phân loại dự án nhóm a, b, c trong đầu tư công là vấn đề rất quan trọng. Luật đầu tư công muốn thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch thì việc phân loại phải rõ ràng, cụ thể, do đó luật cần phải cụ thể hóa các tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C. Việc phân loại dự án chỉ dựa vào quy mô dự án, tính chất dự án mà chưa dựa vào tính chất của nguồn vốn của đầu tư công, chưa phân định nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương, nguồn vốn đầu tư do ngân sách Trung ương phân bổ cho địa phương để xác định thẩm quyền từng cấp, thẩm quyền của Chính phủ và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Tính chất phân định này chưa tạo điều kiện chủ động cho địa phương có điều kiện tự cân đối ngân sách đầu tư và không khuyến khích cho các địa phương chưa tự cân đối phấn đấu.
Còn theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị): Trước kia chúng ta hầu như không quan tâm tới phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án. Ngoài các chương trình, mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư, các chương trình, dự án khác việc xác định chủ trương chủ yếu vẫn còn tùy tiện, không tính toán đến khả năng cân đối nguồn vốn quyết định mang tính chủ quan, duy ý chí và đơn giản. Tồn tại này kéo dài nhiều năm nên đến nay chưa được khắc phục do thiếu các quy định pháp luật. “Dự thảo Luật đầu tư công lần này đã thể chế hóa trình quyết định chủ trương đầu tư là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật đầu tư công, các quy định phân công, phân cấp trong quyết định chủ trương đầu tư” – Đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.
Theo ý kiến nhiều đại biểu, nguyên tắc quản lý đầu tư công cần có tính khái quát cao để định hướng chuẩn hóa cho hoạt động đầu tư công và đó là nguyên tắc thì phải chi phối đến hoạt động quản lý đầu tư công từ khâu xây dựng chính sách đến thực thi cũng như kiểm tra, giám sát. Vì thế các quy định về nguyên tắc quản lý đầu tư công cần mang tính khái quát cao nhưng phải bảo đảm đi vào thực chất, cốt lõi của vấn đề là tính hiệu quả, tiết kiệm, phát triển bền vững.
Dự thảo luật đã được bổ sung làm rõ nhiều quy định, trong đó có nhiều quy định mới thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước trong hoạt động đầu tư công và phù hợp với thông lệ quốc tế, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập trong hoạt động đầu tư công trong thời gian qua./.