Pháp khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ vào Đông Nam Á

(VOV) -Đông Nam Á được đánh giá có nguồn nhân lực chất lượng cao, giá rẻ, nhiều ưu đãi cho đầu tư nước ngoài, nhu cầu tiêu dùng cao.

Bộ trưởng Ngoại thương Pháp Nicole Bricq khẳng định tại hội thảo “Đông Nam Á: Những thị trường cần khai phá và chinh phục”, ngày 25/10 tại Thượng viện Pháp, rằng: “Chiến lược của Pháp giờ đây là chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào làm ăn kinh doanh tại Đông Nam Á. Và tôi sẽ tới Việt nam cùng một số quốc gia Đông Nam Á trong năm tới để thúc đẩy chiến lược này”.

 

 Hội thảo do Cơ quan thương mại Pháp UBIFrance phối hợp với Thượng viện Pháp tổ chức, quy tụ nhiều quan chức, đại diện thương mại của Pháp, một số chuyên gia và đại diện doanh nghiệp có hoạt động làm ăn kinh doanh tại các quốc gia Đông Nam Á.

Hội thảo diễn ra trong 1 ngày, bao gồm những trao đổi chung về tổng quan khu vực Đông Nam Á cùng 3 cuộc thảo luận bàn tròn về các chủ đề “Singapore, Malaysia và Thái Lan – những thị trường chín muồi với lượng tiêu thụ lớn” ; “Những chiến lược nào để thâm nhập vào các thị trường mới nổi Indonesia, Việt Nam và Philippines” và “Myanmar – thị trường tương lai cần khai phá”.

Các ý kiến đều cho rằng Đông Nam Á đang là nơi thuận lợi để mở rộng đầu tư, kinh doanh, bởi tại đây, ngoài nguồn nhân lực chất lượng cao, giá rẻ, còn có nhiều ưu đãi cho đầu tư nước ngoài, có các thị trường đông dân, dân số trẻ và nhu cầu tiêu dùng cao.

Phát biểu tại hội thảo, ông Marc Cagnard, Giám đốc Cơ quan thương mại Pháp UBIFRANCE tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt nam là một thị trường có tiềm năng rất lớn với một số động lực tăng trưởng đáng chú ý như: trao đổi thương mại năng động ; công nghiệp hóa nhanh chóng và mạnh mẽ ; có một thị trường nội địa mạnh với nhu cầu tiêu dùng cao và tiêu dùng nhiều mặt hàng chất lượng. Do đó, Pháp cần thiết phải đẩy mạnh sự có mặt của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa bàn Việt nam.

Trả lời phóng viên VOV bên lề hội thảo, ông Marc Cagnard một lần nữa nhấn mạnh điều này: “Chúng tôi tổ chức nhiều sự kiện, vào năm tới sẽ có khoảng 20 sự kiện tại Việt Nam, để thu hút sự quan tâm đông đảo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp vào thị trường Việt nam. Bởi vì, thị trường Việt Nam có nhiều cơ hội, nhiều sự phát triển lớn, mà các doanh nghiệp Pháp có thể đầu tư vào đó nguồn tri thức, công nghệ và kinh doanh các sản phẩm chất lượng cao”. 

Dĩ nhiên, ông Cagnard cũng nêu một số vấn đề đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của Pháp tại Đông Nam Á nói chung, Việt nam nói riêng. Ví dụ như hành chính giấy tờ còn phức tạp, cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa đảm bảo, khác biệt về văn hóa, xã hội; sự suy giảm ảnh hưởng của nước Pháp, suy giảm số người sử dụng tiếng Pháp tại Việt Nam – thành viên Tổ chức quốc tế Pháp ngữ...

Phát biểu kết thúc các phần thảo luận tại hội thảo, Bộ trưởng Ngoại thương Pháp Nicole Bricq nhấn mạnh thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN là con đường nghiêm túc giúp Pháp có thể lấy lại thế cân bằng thương mại của mình ; đồng thời nhấn mạnh nhiều quốc gia mạnh về kinh tế khác như Mỹ, Trung Quốc… cũng đã quan tâm và có mặt ở địa bàn này từ lâu và nước Pháp không thể chậm chân.

Bà Bricq khẳng định: “Dù chưa khẳng định chính thức, nhưng tôi sẽ sang thăm Việt Nam vào năm tới- năm giao lưu chéo quan hệ Việt – Pháp. Và chắc chắn tôi sẽ cùng đi với một số doanh nghiệp, trong đó sẽ có các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có thể số lượng doanh nghiệp không quan trọng, mà đó sẽ là những đại diện được lựa chọn kỹ lưỡng để phù hợp và thành công tại thị trường Việt nam. Bởi thị trường Việt nam rất quan trọng với chúng tôi”. 

Cũng theo Bộ trưởng Ngoại thương Pháp, những lĩnh vực có tiềm năng lớn để thúc đẩy quan hệ giữa Pháp với khu vực là phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao…

Ông Nguyễn Cảnh Cường, tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đánh giá: Việc Pháp đưa Việt Nam để nói tới trong chiến lược của họ, đây là một tín hiệu tốt và Việt Nam nên nắm bắt cơ hội này, để khuyến khích các doanh nghiệp Việt nam nên có những phản ứng tích cực hơn, chủ động trong làm việc với các đối tác Pháp.

Tuy nhiên, phải thừa nhận Việt Nam không được xếp đầu tiên trong thứ tự quan tâm của Pháp, và qua phần trình bày, trao đổi của các chuyên gia, thấy rằng các quốc gia Đông Nam Á láng giềng của Việt Nam có những lợi thế mà chúng ta chưa vươn tới. Đặc biệt, Myanmar đang được xem là điểm đến mới, hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu Việt Nam không muốn bị bất lợi trong cạnh tranh, thì phải cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của mình, nhất là khi các nước láng giềng đang cải thiện môi trường kinh doanh rất mạnh”./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Việt Nam - cửa ngõ vào thị trường Đông Nam Á và châu Á
Việt Nam - cửa ngõ vào thị trường Đông Nam Á và châu Á

"Quan hệ Việt Nam -CH Nam Phi đang ngày càng tốt đẹp trong giai đoạn mới”.

Việt Nam - cửa ngõ vào thị trường Đông Nam Á và châu Á

Việt Nam - cửa ngõ vào thị trường Đông Nam Á và châu Á

"Quan hệ Việt Nam -CH Nam Phi đang ngày càng tốt đẹp trong giai đoạn mới”.