Phát hiện cạnh tranh không lành mạnh: Cần “tố” ngay!

Thực hiện khuyến cáo này tức là doanh nghiệp “tự bảo vệ mình” – đó cũng là thông điệp ngắn gọn của các nhà quản lý nhắn gửi tới các doanh nghiệp

Khi phát hiện ra các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, ép buộc trong kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối hoạt động của doanh nghiệp khác, quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh… thì cần tố ngay.

Đó là khuyến cáo các chuyên gia đưa tại buổi Toạ đàm Báo cáo kết quả tổng hợp thực tiễn thực thi các quy định của Luật Cạnh tranh qua 5 năm, do Bộ Công thương vừa tổ chức.

Điểm mặt một số vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh đã bị xử lý, để các doanh nghiệp nhăm nhe vi phạm “hết nhờn”. Còn nhớ, năm trước, Megastar bị một số doanh nghiệp cùng lĩnh vực “tố” việc doanh nghiệp này có dấu hiệu áp đặt bán lẻ vé xem phim (giá tối thiểu) cho các đơn vị mua lại bản quyền chiếu phim. Vụ việc đã được Cục Quản lý cạnh tranh quyết định điều tra xem xét. Từ tháng 6/2009, Megastar bắt đầu thay đổi cơ chế chia doanh thu bán vé. Megastar duy trì tỷ lệ chia doanh thu 55/45, đồng thời áp dụng chính sách Giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem là 25.000 đồng (giá sau thuế).

Tháng 3/2010, một số doanh nghiệp chiếu phim Vịêt Nam đã gửi đơn khiếu nại tập thể lên Cục Quản lý cạnh tranh nêu: “Megastar áp đặt giá thuê phim dựa trên chính sách định phí thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem, gây thiệt hại cho doanh nghiệp khiếu nại, buộc các doanh nghiệp khiếu nại phải thuê thêm phim khác nếu muốn thuê được phim mà doanh nghiệp khiếu nại mong muốn” và Megastar “buộc các doanh nghiệp khiếu nại phải chiếu phim do Megastar phân phối tại phòng chiếu do Megastar chỉ định.

Các doanh nghiệp đã khiếu nại Megastar đã vi phạm khoản 2 và khoản 5 Điều 13 Luật Cạnh tranh, liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trên thị trường phân phối phim nhựa để áp đặt giá bán hàng hoá, dịch vụ bất hợp lý gây thịêt hại cho khách hàng và áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng. Trên cơ sở hồ sơ khiếu nại của các doanh nghiệp chiếu phim tại Vịêt Nam ngày 12/5/2010, Cục Quản lý Cạnh tranh đã ra quyết định điều tra vụ việc.

Chưa hết, vụ việc “đình đám” cũng từng đã bị xử lý, năm 2009, Cục QLTT sau khi tìm hiểu, thu thập thông tin chứng cứ đã thụ lý hồ sơ và thực hiện điều tra hành vi lạm dụng vị trí độc quyền áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng và lạm dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng giao kết mà không có lý do chính đáng của Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco). Tức là vi phạm các quy định của Luật Cạnh tranh, áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng và lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng giao kết mà không có lý do chính đáng.

Hoặc “hot” như vụ việc liên quan đến 19 doanh nghiệp bảo hiểm. Sau hơn 01 năm điều tra vụ việc, ngày 29/4/2010, Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh đã ký bản “Kết luận điều tra” theo đó kết luận 19/25 doanh nghiệp bảo hiểm tại thời điểm điều tra đã ký kết “Bản thoả thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới” và “Điều khoản biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô”.

Bởi lẽ, thị phần kết hợp của 19 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thoả thuận chiếm tới  hơn 99% trên thị trường bảo hiểm vật chất xe ô – tô tại Việt Nam. Hành vi thoả thuận nêu trên của 19 doanh nghiệp bảo hiểm là hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật Cạnh tranh về các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm do thị phần kết hợp của 19 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thoả thuận vượt quá ngưỡng 30% trên thị trường dịch vụ bảo hiểm vật chất xe ô tô tại Việt Nam. Vì hành vi này, Hội đồng cạnh tranh đã xử lý 19 doanh nghiệp bảo hiểm tổng mức phạt là hơn 1,7 tỷ.

Đồng thời, trong 5 năm thực thi Luật cạnh tranh, còn nhiều vụ việc đã bị Cục quản lý cạnh tranh xử lý như 6 vụ việc liên quan đến gièm pha nói xấu doanh nghiệp khác, 1 vụ việc liên quan đến gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác và 5 vụ việc liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh….

Thực hiện các khuyến cáo nói trên tức là doanh nghiệp “tự bảo vệ mình” – đó là thông điệp ngắn gọn của các nhà quản lý nhắn gửi tới các doanh nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên