Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong kỷ nguyên vươn mình
VOV.VN - Hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines” là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý đóng góp ý kiến nhằm giúp doanh nghiệp nhà nước đồng hành cùng đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngày 10/11, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines”.
Chủ trì hội thảo gồm: Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh; Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh rằng kinh tế nhà nước giữ vị trí trọng yếu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nền tảng cơ bản để phát triển mọi ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Với ngành hàng không, đây không chỉ là huyết mạch giao thông mà còn đóng vai trò quan trọng cả về kinh tế, an ninh, quân sự, chủ quyền quốc gia, nên việc duy trì sự ổn định, an toàn, hiệu quả của ngành có vị trí trọng yếu trong phát triển kinh tế xã hội. Để trở thành một trung tâm tầm cỡ về kinh tế, văn hóa, du lịch của châu Á và trên thế giới. Việt Nam cần đầu tư trọng điểm để hình thành một doanh nghiệp hàng không mạnh, để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa chia sẻ: “Vietnam Airlines nhận thức rõ, máy bay Vietnam Airlines bay đến đâu thì “biên giới mềm” của chúng ta mở rộng đến đấy. Đây là vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước, cũng như của hãng hàng không quốc gia”.
Ông Đặng Ngọc Hòa cho biết, Vietnam Airlines đã tiến hành tái cơ cấu và thực hiện nhiều biện pháp đối phó trước bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành hàng công trên toàn thế giới. Trong năm 2024, Vietnam Airlines đã cân đối thu chi và hoạt động có lãi. Tuy nhiên, tình trạng âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế vẫn cần giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Tại hội thảo, các chuyên gia, lãnh đạo, nhà quản lý đã trình bày những tham luận và tiến hành thảo luận bàn tròn. Các ý kiến tại hội thảo đã làm và khẳng định vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó Vietnam Airlines đã thể hiện là lá cờ đầu.
Các ý kiến cũng nêu rõ những kết quả đáng khích lệ mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đạt được và thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, tồn tại. Đồng thời, các giải pháp và kiến nghị được nêu ra để đổi mới các doanh nghiệp nhà nước nói chung và Vietnam Airlines nói riêng.
Về những giải pháp được nêu ra tại hội thảo, các chuyên gia kiến nghị nhà nước đẩy mạnh công tác hoàn thiện khung pháp lý, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước nói chung và Vietnam Airlines nói riêng phát triển bền vững, cân đối giữa nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, đồng thời hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế…
Đáng chú ý, một số chuyên gia tại hội thảo đã đề nghị nghiên cứu cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nhà nước thích hợp để thực hiện những dự án đầu tư quy mô lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ví dụ như giao Vietnam Airlines tham gia dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình đánh giá: “Hội thảo vừa khớp với câu chuyện làm thế nào để doanh nghiệp nhà nước đồng hành cùng đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vừa khớp với việc làm thế nào để vấn đề thể chế - “điểm nghẽn của điểm nghẽn” được giải quyết ngay từ trong thành phần kinh tế chủ đạo của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.