Phát triển đô thị tại Việt Nam còn tự phát
Nguyên nhân do hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ, có chỗ chồng chéo, chế tài xử lý vi phạm chưa rõ ràng…
- Cần có cơ chế cho “đất vàng”
- Phát triển đô thị thân thiện để bền vững
- Xu thế phát triển “đô thị thông minh” tại Việt Nam
- Quy hoạch phải có tầm nhìn xa
- Biến đổi khí hậu và bài toán quy hoạch đô thị
Bức tranh về đô thị tại Việt Nam những năm gần đây ngày càng hiện rõ sự bất cập giữa số lượng và chất lượng. Nó gây ra hàng loạt những hệ lụy cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các địa phương có đô thị nói riêng.
Phát triển thiếu quy hoạch
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận: Đô thị phát triển thiếu quy hoạch, tự phát, còn theo phong trào ở một số đô thị. Đồng thời tình trạng thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tính kết nối hạ tầng còn yếu… dẫn đến vấn đề ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Một góc Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội |
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trước hết là do hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ, phạm vi điều chỉnh chưa phủ kín, bỏ trống nhiều lĩnh vực, có chỗ chồng chéo, chế tài xử lý vi phạm chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, quá trình quản lý Nhà nước về xây dựng còn bất cập so với yêu cầu phát triển. Mặc dù công tác lập quy hoạch đã được các ngành, các địa phương rất quan tâm, đặc biệt là quy hoạch không gian, quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, theo dẫn chứng của Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “760 đô thị trên cả nước đều có quy hoạch chung, nhưng quy hoạch chậm hơn so với yêu cầu đặt ra. Có những nơi đô thị phát triển rồi mới xong quy hoạch, quy hoạch phải cập nhật hiện trạng đã có”.
Bộ Trưởng Trịnh Đình Dũng: Đô thị ngày càng khẳng định được vai trò động lực trong nền kinh tế. GDP của đô thị chiếm trên 70% GDP của cả nước, ngày càng khẳng định vai trò hạt nhân thúc đẩy cơ cấu kinh tế và xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương và trong cả nước. |
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phân tích: Quy hoạch chung là cơ sở tổng thể, có tính định hướng cho sự phát triển của đô thị. Còn để phát triển bền vững phải có quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Nhưng thời gian qua, các đô thị chủ yếu phát triển trên cơ sở quy hoạch chung. Và cùng một lúc, dự án có quy hoạch chi tiết 1:2000, sau đó lại lập quy hoạch chi tiết 1:500. Một thực tế nhãn tiền là do thiếu một quy hoạch phân khu, nên các đô thị phát triển có tính chất chia cắt, riêng rẽ, vấn đề kết nối hạ tầng giữa các khu dự án là rất khó khăn.
Cạnh đó, phát triển đô thị nhưng thiếu quy hoạch chi tiết, đặc biệt thiếu thiết kế đô thị, điều lệ quản lý đô thị; công tác thiết kế đô thị còn lúng túng. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến lập các thiết kế đô thị để quản lý kiến trúc cảnh quan phù hợp với mục tiêu phát triển của mỗi đô thị.
Phải lập lại trật tự quản lý đô thị
Để xảy ra tình trạng phát triển lộn xộn của đô thị Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, trách nhiệm thuộc về những cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng nói chung, trong đó có Bộ Xây dựng.
Để khắc phục thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt là về quản lý phát triển đô thị. Mục tiêu của hệ thống pháp luật này là lập lại trật tự quản lý đô thị, phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch; đảm bảo tiết kiệm nguồn lực, đặc biệt là đất đai; đảm bảo hạ tầng tốt cho đô thị; đảm bảo môi trường tốt để đô thị phát triển bền vững…
Nhiều khu đô thị thiếu sân chơi, nên đường phố cũng thành sân đá bóng |
Nhấn mạnh vào sự bất hợp lý trong công tác quy hoạch ở nhiều khu đô thị hiện nay, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ: Không ít khu đô thị không có quy hoạch đất cho trụ sở hành chính, y tế; hoặc trong quy hoạch có khu đất dành cho trường học nhưng khu đô thị đã đưa vào sử dụng thời gian dài mà chủ đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng.
Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay, theo Bộ trưởng Dũng, phát triển đô thị còn tồn tại tình trạng không căn cứ vào quy hoạch phân khu, nhiều đô thị hiện nay quy hoạch phân khu chưa xong nhưng dự án đô thị đã hình thành. Cho nên, có tình trạng quy hoạch phân khu là sự hợp thức hóa lại những dự án đã có.
Dẫn chứng từ dự án đô thị Linh Đàm và Mỹ Đình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, đây là dự án độc lập, không trên cơ sở quy hoạch phân khu nên không có tính kết nối hạ tầng vùng, khu vực.
Một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng đô thị là công tác điều chỉnh quy hoạch. Khẳng định việc có sự điều chỉnh quy hoạch là cần thiết, nhưng Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng nêu thực tế rằng, nhiều địa phương còn xảy ra tình trạng điều chỉnh quy hoạch không vì yêu cầu khách quan của nâng cao chất lượng đô thị mà do yêu cầu của nhà đầu tư, gây bức xúc của dư luận, ảnh hưởng phát triển bền vững.
Một trong những nguyên nhân là công tác quản lý thực hiện quy hoạch thiếu sự kiểm soát thống nhất từ Trung ương, phân cấp quá nhiều cho địa phương. Do đó, các dự án phát triển đô thị tự phát, theo phong trào, việc tăng cường kiểm tra kiểm soát chưa được quan tâm, thiếu những cơ quan quản lý thống nhất, vai trò nhạc trưởng kết nối dự án còn thiếu.
Nhưng để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, vấn đề cấp bách là phát triển đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch. Quy hoạch phân khu là cơ sở xác định dự án trong đó. Sau đó, phải thành lập khu vực phát triển đô thị để kiểm soát phát triển./.